Trước khi lên tour du lịch tự túc, chúng tôi cũng đã nghe những người đi trước, trong đó có những cao nhân kinh nghiệm du lịch bụi từng ném trải khi đến Ấn Độ chia sẻ về sự lạc hậu, về tình hình an ninh, về vệ sinh môi trường, về đồ ăn khó, dịch vụ yếu kém, tình trạng bị lừa dụ vì nói thách…
Cá nhân tôi rất thích chạm chân đến những vùng đất mới lạ huyền bí hoang dã, không gian mới lạ, những trải nghiệm để đời qua những chuyến đi khám phá thế giới rộng lớn.
Jaipur – thành phố màu hồng
Mặc dù lịch trình đã lên trước nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ ập đến khiến cho các thành viên trong đoàn cũng phần nào hoang mang lo lắng. Quyết định huỷ chuyến đi chấp nhận mất tiền vé máy bay, tiền khách sạn và dịch vụ thuê xe và booking vé tàu điện nội địa… bắt đầu xuất hiện khi ra đến sân bay làm thủ tục check in nhưng không may gặp một sự cố kỹ thuật nho nhỏ trong hồ sơ apply visa trên mạng bị sai thông tin tháng sinh của một thành viên phải trễ chuyến bay. Khi đó, các thành viên nhìn nhau, tự động viên nhau, xem như trong rủi có may giữa mùa địch, tự an ủi nhau xem như mình chưa có duyên đến vùng đất này.
Tác giả Phạm Sông Thu (trái) và những người bạn đường
Cũng chính những khuyến cáo như vậy càng khiến cho chúng tôi quyết tâm đặt chân đến đây cho bằng được để cảm nhận những thái cực giàu –nghèo, sắc thái tương phản hoang dã – hiện đại của đất nước đông dân thứ 2 thế giới này.
Ngay tâm bão đại dịch, bất chấp những khuyến cáo không nên đi du lịch xa, chúng tôi vẫn quyết tâm đổi vé để được khởi hành trên chuyến bay kế tiếp sau 2 ngày nhưng lịch trình khám phá “tam giác vàng” du lịch Ấn không thay đổi: New Delhli- Jaipur- Agra – New Delhi.
Thường trước đây, để đến New Delhli, du khách phải bay hai chặng quá cảnh ở Bankok, cũng may, thời điểm chúng tôi đi, hãng VietJet vừa mở đường bay thẳng nên chỉ hơn 5 tiếng khởi hành từ Tân Sơn Nhất là đã đặt chân đến phi trường quốc tế Indira Grandhi.
Chuyến bay hạ cánh xuống phi trường đã quá nữa khuya, chúng tôi đứng xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh mỏi mòn vừa mệt vừa lo trước cảnh rừng người nhìn nhau qua những chiếc khẩu trang phòng dịch. Mọi người rất thận trọng khi tiếp xúc với những người đến từ vùng dịch, ngay nhân viên hải quan khi làm thủ tục cũng hoài nghi và thận trọng hỏi: Bạn có đến từ vùng dịch Trung Quốc?
Sau khi hoàn tất thủ tục hải quan và nhận hành lý ra xe, lúc này đã quá khuya, ngoài trời thì đang lạnh 10 độ, về đến khách sạn, thật bất ngờ phải trải qua khâu kiểm tra an ninh không khác gì ngoài sân bay trước khi làm thủ tục check in nhận phòng!
Sau một đêm ngon giấc tại khách sạn Ibis, chúng tôi tranh thủ thưởng thức món điểm tâm sáng đậm chất ẩm thực Ấn để kịp hành trình khám phá miền đất của thần linh với cung đường New Dehli- Jaipur trên chiếc du lịch cùng bác tài kiêm nhiệm vụ hướng dẫn viên địa phương.
Trên cung đường đến thành phố màu hồng Jaipur nổi tiếng nằm trong “mạch” du lịch tam giác vàng của Ấn Độ cùng Agra, chúng tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi hình ảnh đất nước và con người nơi đây.
Lạc hậu và hiện đại, nghèo đói và giàu sang, hoang dã và huyền bí…tất cả những gom màu tương phản đó được thể hiện rõ nét trong guồng quay của cuộc sống đang vận hành mà chúng tôi cảm nhận trên cung đường xe đang lướt qua.
Điểm check in đầu tiên là pháo đài Amber – một trong những pháo đài đồ sộ nhất của Ấn Độ với những thành lũy lớn cùng hàng loạt cửa ngõ và những lối đi lát đá, pháo đài nhìn ra Hồ Maota.
Kiến trúc Amber nhìn từ xa giống như căn cứ quân sự với vòng tường thành hoành tráng chạy quanh sườn núi trông giống như Vạn Lý tường Thành tận bên Trung Quốc. Khi đặt chân vào bên trong, chúng tôi mới cảm nhận được khung cảnh ấm áp và hệ thống đồ sộ các phòng, đại sảnh, vườn cây xanh mướt hay những tháp canh với tầm nhìn bao quát cả khu vực pháo đài.
Càng đi sâu vào bên trong, chúng tôi càng bị hớp hồn với những bức tranh tường, đường nét chạm khắc, hoạ tiết mang dấu ấn của đạo Hồi và đạo Hindu. Đến tham pháo đài, du khách có thể ghé thăm đền Kali, hay còn gọi là đền Shila Devi, một phần kiến trúc của pháo đài, nổi tiếng bởi sự linh thiêng. Pháo đài Amber được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 2013.
Cách pháo đài Amber không xa là cung điện Jal Mahal, được mệnh danh là Cung điện Nước. Cung điện bằng đá cẩm thạch nằm ngay giữa Hồ Man Sagar, thủ phủ bang Raiasthan, Ấn Độ.
Mahal có phong cách kiến trúc cực kỳ độc đáo, kết hợp giữa kiến trúc theo phong cách Hồi giáo–Ba Tư Mughal và phong cách thuyền gỗ Rajput, chính vì thế cung điện được xem là tượng trưng cho hình ảnh con thuyền đang nổi trên mặt nước.
Sau khi xây dựng từ năm 1734, cung điện chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và sau đó đã bị bỏ quên trong suốt thời gian dài. Xe chỉ dừng cho chúng tôi chiêm ngưỡng cung điện này từ xa xa để kịp hành trình về thành phố màu hồng là điểm đến được các thành viên trong đoàn mong đợi vì trước đó được nghe rất nhiều thông tin thụ vị về thành phố này.
Nằm ở phía bắc Ấn Độ, thủ phủ bang Rajasthan – một trong những bang lớn nhất cả nước, Jaipur được mệnh danh “thành phố hồng” nhờ phong cách xây dựng không lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Không chỉ khoác lên mình màu hồng bắt mắt, Jaipur còn nổi tiếng với hàng loạt di sản văn hoá như pháo đài, cung điện cùng những công trình mang phong cách Hoàng Gia.
Theo lời chia sẻ của anh tài xế thì màu hồng của thành phố này chỉ có từ năm 1876, khi người Anh chiếm đóng Ấn Độ. Nhân dịp hoàng tử Albert sang thăm thành phố, người dân bản địa đã quét sơn hồng lên toàn bộ công trình và nhà cửa. Nguyên do là vì người cai trị khi đó là Raja Jawai Singh tin rằng nếu như phủ toàn bộ thành phố bằng màu hồng thì Hoàng gia Anh sẽ hiểu được tình cảm chân thành và hiếu khách của Jaipur.
Người dân Jaipur luôn tự hào về những di sản văn hoá trong thành phố, trong đó phải kể đến pháo đài và cung điện mang hơi thở cổ kính với lối kiến trúc cổ xưa của một đô thị buôn bán, bao quanh là những bức tường thành cao vút cùng hàng loạt cửa hàng xây bằng đá hoa cương hồng.
Một trong số đó phải kể đến là cung điện của hoàng gia Jaipur, nằm ở bang Rajasthan với kiến trúc màu đỏ đặc trưng. City Palace hay Cung điện thành phố là điểm tham quan nổi tiếng nhất ở thủ phủ Jaipur, bang Rajasthan. Đây cũng là một trong những điểm tham quan nổi tiếng thuộc tuyến tham quan “tam giác vàng” của Ấn Độ bao gồm Delhi – Agra – Jaipur.
Nằm kế bên City Palace là một đài thiên văn quan sát vũ trụ để hoàng thân có thể dễ dàng thực hiện niềm đam mê của mình. Các dụng cụ tại Đài thiên văn Jantar Mantar được xây dựng bởi Maharaja Jai Singh trong thế kỷ 18, dựa theo nguyên mẫu từ bộ sưu tập hiện đại tương tự ở Delhi. Các công trình đồ sộ thể hiện sự tài hoa của người xưa trong nghiên cứu thiên văn học, khi mà độ chính xác tuyệt đối với những khối đá khổng lồ hết sức phức tạp và tinh vi.
Thành phố Jaipur còn rất nhiều di sản văn hoá nổi tiếng, trong số đó phải kể đến Cung điện Hawa Mahal được mệnh danh là một trong những cung điện gió nổi tiếng ở Ấn Độ. Cung điện có lối kiến trúc hình kim tự tháp năm tầng và được xây dựng với chất liệu sa thạch màu đỏ và hồng đặc trưng. Hawa Mahal được xây dựng như một khu phức hợp dành cho phụ nữ hoàng gia.
Điểm đặc biệt của Hawa Mahal chính là hệ thống gần một ngàn ô cửa sổ được ví như chiếc “tổ ong” đón gió. Mặt tiền của cung điện được chạm khắc cầu kỳ cùng các ô cửa nhỏ để từ các ô cửa của toà nhà này phụ nữ hoàng gia có thể nhìn ngắm đường phố mà không sợ bị người ngoài trông thấy.
Thành phố Jaipur không quá đông đúc như thủ đô New Delhi nhưng hiện lên như một “thương cảng” sầm uất giữa cái nắng oi bức và khói bụi nghẹt thở của vùng sa mạc. Xưa kia nơi đây là thị trấn buôn bán sầm uất, thành cổ được bao quanh bởi bức tường thành cao, những con phố trải rộng và trên hết là các công trình kiến trúc bằng đá hoa cương lấp lánh.
Một điều thú vị là tất cả các hoạt động giao thương diễn ra ở đây được điều hành bởi những người đàn ông. Chúng tôi thắc mắc về điều này thì được anh tài xế cho biết: Người phụ nữ ở Ấn Độ chỉ làm thiên chức sinh con, làm công việc nội trợ và giữ tiền! Nhiệm vụ của người đàn ông Ấn là ra ngoài kiếm tiền.
Sau khi cỡi ngựa xem hoa Jaipur, chúng tôi cảm nhận được phần nào về thành phố màu hồng này là sự tổng hòa của mọi âm thanh cuộc sống hết sức sống động. Hoạt động giao thương tất bật với những cửa hàng kinh doanh các dịch vụ và sản phẩm du lịch tập trung dọc hai bên phố.
Giao thông hỗn độn xe cộ chạy san sát và náo nhiệt, các khu chợ truyền thống sôi động người mua kẻ bán, những chiếc xe ngựa chở du khách tham quan luồn qua những khoảng trống chật kín trên đường phố, tiếng người rao bán hàng rong trên vỉa hè. Jaipur có rất nhiều điều khiến những suy nghĩ ban đầu của chúng tôi bị thay đổi hoàn toàn. Nhiều thứ nghĩ vậy mà không phải vậy.
Nhiều điều tưởng chừng rất kỳ lạ nhưng chỉ cần vừa quay lưng bước đi thôi là bạn cảm thấy nhớ cái không gian đậm đặc màu Ấn, thấy lại muốn thèm được lần nữa tan chảy trong cảm xúc ngỡ ngàng, thoảng thốt, vừa kỳ dị mà lại rất yêu, rất thương với cuộc sống và các cung bậc cảm xúc của con người và cảnh vật nơi đây.
Đón đọc kỳ sau: Taij Mahal - Biểu tượng tình yêu vĩnh cửu
Phạm Sông Thu