Trong khi đề án qui hoạch báo chí đang triển khai quyết liệt nhằm sắp xếp lại các cơ quan báo chí đang hoạt động, trong đó có những tờ báo đã định danh thương hiệu, tự chủ tài chính, không dựa vào ngân sách vẫn phải trở về chung “một mái nhà” theo đề án qui hoạch thì ở chiều ngược lại, nhiều trang tin điện tử được cấp phép hoạt động như nấm mọc sau mưa!
Đầu tiên phải kể đến là sự xuất hiện của hàng loạt các “trang con”, "trang cháu" và thậm chí "trang chút" hoặc "trang chắt" của các tờ báo điện tử. Các trang này, sau khi có được giấy phép, hoạt động độc lập chẳng khác nào một trang báo điện tử. Mô hình vận hành chỉ dựa vào “toà soạn mẹ” trên danh nghĩa, còn lại hầu hết đều xây dựng văn phòng và phát triển đội ngũ nhân sự sản xuất nội dung và kinh doanh độc lập.
Chưa biết hiệu quả “kinh doanh báo chí” thế nào nhưng các trang này hằng tháng phải nộp về cho tờ báo mẹ một khoản tiền như đã cam kết trước khi xin giấy phép, thường gọi là “phí quản lý xuất bản” hay “phí rửa nguồn”…Sau khi có “lá bùa hộ mệnh” họ tuyển nhân sự về và cấp cho tờ giấy giới thiệu kèm theo những điều khoản thoả thuận miệng về cam kết doanh thu quảng cáo hoặc tài trợ hợp tác truyền thông phải mang về cho cơ quan.
Thường chỉ tiêu tin bài luôn đi kèm với chỉ tiêu doanh số quảng cáo nên buộc các “nhà báo định mức” này phải tìm mọi cách để đạt được mục tiêu. Họ tận dụng mọi quan hệ, tìm mọi cách kết nối các doanh nghiệp để đặt vấn đề quảng cáo, hợp tác truyền thông, tài trợ sự kiện, tài trợ chuyên mục…Nếu khởi đầu làm kinh tế báo chí tốt, họ tiếp tục thừa thắng nhận “thầu” thêm một số trang khác và dần dần hình thành nên group với các tên miền thường liên quan đến pháp luật, thương hiệu, môi trường, kinh doanh…để thuận lợi cho việc “hỗ trợ” thông tin cho doanh nghiệp khi cần có những chiến dịch đánh lớn!
Sau khi không giải được bài toán kinh tế cho vấn đề in ấn và thách thức trong thời đại mới với sự lên ngôi của mạng xã hội, các tạp chí chuyển sang “điện tử hoá” cũng góp một phần không nhỏ làm nhiễu loạn thì trường báo chí như hiện nay. Trước đây, từ các tạp chí chuyên ngành sống chủ yếu dựa vào nguồn thu quảng cáo từ doanh nghiệp và bạn đọc mua báo thì nay chuyển sang mô hình “tạp chí điện tử” sống bằng lượng người truy cập hoặc thu hút quảng cáo bằng view…Để thích nghi và sống được với mô hình mới này, buộc họ phải “xé rào” vượt ra ngoài tôn chỉ mục đích như trong giấy phép, khai thác các đề tài giựt gân câu khách, rẻ tiền, nhảm nhí, thậm chí trái với thuần phong mỹ tục mà các báo lá cải phương tây thường hay khai thác.
Khi cái thời giựt gân câu view không còn được số đông bạn đọc thông minh ủng hộ và khó lọt qua “bộ lọc” của cơ quan quản lý “tuýt còi” thì đồng nghĩa các thương hiệu uy tín cũng sẽ quay lưng với quảng cáo thì các trang “tạp chí điện tử” này chuyển sang khai thác tin bài “chống tiêu cực” để tìm nguồn thu quảng cáo tư doanh nghiệp như một tờ báo điện tử chính thống. Khi kinh tế khó khăn, khai thác không đạt doanh thu như kỳ vọng ở các “ngư trường truyền thống”, các trang này tiếp tục tổ chức “đánh bắt xa bờ” bằng cách mở các văn phòng hoặc tung quân đi khắp nơi để khai thác những địa bàn còn nhiều tiềm năng.
Nói danh nghĩa là mở văn phòng cho hoành tráng chứ thực chất chỉ là thuê hoặc tận dụng “cây nhà lá vườn” trao đổi quảng cáo với một đơn vị đối tác để lấy địa chỉ làm nơi liên lạc. Các văn phòng thường trú dạng này gồm một trưởng đại diện tự phong, có kinh nghiệm trong việc làm kinh tế báo chí kèm theo vài ba cộng tác viên chuyên đi triển khai các đề tài “theo đơn thư phản ảnh của bạn đọc” hoặc “theo đơn thư kiếu kiện của khách hàng”…Các đội quân mà dân làm truyền thông thường gọi vui là lực lượng “kền kền” hay IS này thường kết hội thành những group chuyên đi “hỗ trợ” hoặc “giải cứu” các doanh nghiệp khi muốn đạt được một mục đích nào đó!
Cách thức tác nghiệp thường thấy là thành lập các group kín để trao đổi đề tài với nhau, thường có một “anh cả” đứng ra đạo diễn để lên kịch bản “hỗ trợ” doanh nghiệp. Các nhân vật đóng vai “phản diện” nhận nhiệm vụ xung trận tiếp cận qua nhiều kênh, để liên hệ cho bằng được người đại diện của doanh nghiệp book lịch hẹn làm việc. Sau đó, các “nhà báo đém tầng" này mang giấy giới thiệu, kèm theo những tờ đơn soạn sẵn giống nhau về các đề tài “theo đơn thư phản ảnh của bạn đọc” hoặc “theo đơn thư kiếu kiện của khách hàng”…đến để chất vấn “hỏi cung” doanh nghiệp với mục đích là mong tìm kiếm cơ hội hợp tác! Nếu doanh nghiệp có chủ trương hợp tác thì đề tài khép lại và hợp đồng được mở ra, còn trường hợp doanh nghiệp không hợp tác thì lập tức triển khai cho các thành viên trong group “đồng ca” tung cùng một nội dung giống nhau trên khắp các "mặt trận" do mình phụ trách, rồi dẫn links về facebook cá nhân hoặc share vào các diễn đàn nhằm đánh tiếng cho doanh nghiệp biết. Sau đó, một nhân vật “chính diện” vào vai “ông bụt” giải cứu, đứng ra dàn xếp trên tình thần các bên cùng thắng!
Ngoài sự xuất hiện của các “trang con”, “trang cháu”, rồi tình trạng “điện tử hoá” các tờ tạp chí, gần đây, làng báo còn xuất hiện thêm một dạng báo điện tử “ẩn mình” dưới vỏ bọc “trang thông tin tổng hợp” cũng góp phần làm nhiễu loạn hoạt động báo chí. Các website này không được phép sản xuất thông tin báo chí, nhưng lại được phép xuất bản thông tin báo chí lấy lại từ các báo khác. Thực tế hiện nay, các trang này khai thác tổng hợp thông tin hoàn toàn không liên quan đến người dùng là đối tượng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp là chủ sở hữu các trang này. Nội dung đa phần “cào” thông tin từ trên các báo, sau đó cắt xén và rút tít giật gân rồi đăng nhằm thu hút lượng truy cập để phục vụ mục đích nào đấy!
Thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước chỉ có khoảng hơn 1.000 trang điện tử là của các cơ quan báo chí chính thống nhưng đang có cả trăm ngàn website dạng “trang tin tổng hợp” của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không có chức năng báo chí đang “xào nấu” thậm chí copy paste bê nguyên xi nội dung rồi xuất bản tin tức dạng báo chí trên mạng. Nếu một thông tin “xào nấu” được lặp đi lặp lại với tần suất dày đặc trên các trang này dễ khiến cho người đọc hoang mang, không phân biệt do chủ ý lập lờ chẳng khác nào trang báo điện tử, nhất là những vấn đề nhạy cảm chưa có kết luận hay chứng cứ rõ ràng. Thực tế cho thấy, khi khai thác "thông tin tiêu cực” quá nhiều dẫn đến trùng lắp, nhiều trang còn lấy tin từ các tài khoản mạng xã hội chưa được kiểm chứng khiến cho bức tranh của xã hội toàn nhìn đâu cũng thấy màu xám xịt!
Theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành, giấy phép thiết lập trang mạng xã hội sẽ do Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Cơ quan trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp do Sở Thông tin Truyền thông các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, doanh nghiệp thiết lập website đóng trụ sở cấp phép…Quy định của pháp luật đã rõ nhưng không hiểu vì sao kẽ hở để phát sinh tràn lan những sản phẩm “con lai” này, khiến cả nền báo chí lẫn cơ quan quản lý báo chí, đặc biệt là các doanh nghiệp làm ăn uy tín khốn đốn về những hệ lụy phát sinh từ những trang này.
Sứ mệnh của báo chí là “người thư ký của thời đại” chia sẻ lan toả kịp thời thông tin tích cực đến với bạn đọc, đồng thời phản biện đi đến tận cùng những thông tin tiêu cực nhưng trên tinh thần xây dựng hướng đến mục đích cuối cùng vì sự phát triển của một xã hội văn minh. Chính vì vậy, đứng trước bất cứ vấn đề gì khi được báo chí phản ánh cũng phải tuân thủ 3 tiêu chí: cung cấp thông tin kịp thời, đa chiều, và sự thật, nếu báo chí không làm theo 3 điều này sẽ chắc chắn thất bại. Tuy nhiên, các lực lượng “báo chí phi truyền thống” hiện nay, đang đi ngược lại các tiêu chí trên, nhìn bước tranh xã hội lúc nào cũng màu xám, chỉ biết vạch lá tìm sâu, chỉ tập trung khai thác những phần chưa làm tốt, dù rất nhỏ, trong khi đó phần lớn làm được, làm tốt thì cố tình lờ đi, rồi nâng quan điểm lên dẫn dắt dư luận để tìm kiếm lợi ích đi kèm phía sau! Các vụ việc “làm khó doanh nghiệp” bị bắt khởi tố gần đây phần lớn đến những thành phần gọi là “kền kền” hay IS đã làm ảnh hưởng đến uy tín của làng báo, một phần nào đó làm tổn thương đến những người làm báo chuyên nghiệp, tử tế mà xã hội luôn trân quý.
Sự phát triển của báo chí không nằm ngoài qui luật của xu hướng phát triển của xã hội. Muốn tồn tại và phát triển thì phải thay đổi và thích nghi với đối tượng độc giả, giá trị tri thức, giải trí, kinh tế của báo chí đã hình thành nên xu thế chuyển mình tất yếu trên thế giới. Thời của làm báo dựa trên nền tản công nghệ lên ngôi.
Cuộc cạnh tranh hụt hơi để sinh tồn của báo chí trước xu hướng phát triển công nghệ như vũ bão đang đòi hỏi những người làm báo phải liên tục trao dồi để thích ứng nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu lớn (Big Data) mang lại những thay đổi lớn lao và những cơ hội phát triển cho mọi đối tượng, mọi lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực báo chí không phải là ngoại lệ.
Làng báo đang đứng trước muôn vàn thách thức, ngoài việc chạy đua cạnh tranh tác nghiệp trên nền tản số, còn cuộc chiến với “cối xay gió” của báo chí chính thống và lực lượng hùng mạnh “báo chí phi truyền thống” bởi kẽ hở chí tử của pháp luật về báo chí, cụ thể là quy định về đối tượng và điều kiện thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet đã bị "lách luật" để cho ra đời lực lượng hùng mạnh tạm gọi là “báo chí phi truyền thống” đã làm nhiễu loạn hoạt động báo chí như hiện nay.
P.S.T (20/6/2019)