Trước đây khi mới du nhập vào Việt Nam, môn quần vợt gần như được xem là môn thể thao chỉ dành cho giới quý tộc. Thời ấy, cuối tuần, diện bộ đồ Adidas hay Nike cùng túi vợt Wilson là đã được thiên hạ xem thuộc giới thượng lưu. Cho đến khi quần vợt trở nên phổ biến, sân tập được mở khắp nơi, phí mỗi lần ra sân không đáng là bao thì người chơi môn thể thao này trở nên phổ thong và không còn khu biệt trong giới doanh nhân nữa. Dường như môn thể thao một thời được xem là quý tộc đã không còn sức hút để kéo các đại gia ra sân mỗi cuối tuần. Và trong xu thế đó, golf trở thành môn chơi thời thượng phù hợp với sức khoẻ, thể trạng và phong cách của tầng lớp doanh nhân.
Vậy hấp lực của môn golf là gì? Chơi golf để tận hưởng môi trường thiên nhiên lý tưởng, thư giãn, rèn luyện sức khoẻ hay để thể hiện đẳng cấp? Có lẽ tất cả các mục đích trên đều đúng. Bởi để tận hưởng một cách đích thực thú chơi quý tộc này thì người chơi phải tốn một khoản tiền không nhỏ, có thể nói không ngoa là quá đắt đỏ so với thu nhập bình quân đầu người của một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Chơi golf hiện nay khá tốn kém, các dịch vụ kèm theo của môn chơi này còn xa xỉ. So với các nước trong khu vực thì phí chơi golf tại các sân golf ở ta còn khá cao. Chính vì lý do đó mà đối tượng chơi golf hiện nay phần lớn là doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài.
Vậy khi quyết định chuyển từ cầm vợt sang cầm gậy chơi golf, người chơi sẽ cần quan tâm đến những điều gì?
1. Thẻ Hội viên:
Trước tiên, bạn phải chuẩn bị về mặt tài chính thật vững vàng và sắp xếp thời gian hợp lý vì chơi golf vừa tốn tiền lại vừa mất rất nhiều thời gian. Thông thường để gia nhập làng golf, người chơi phải sở hữu ít nhất một thẻ thành viên của một câu lạc bộ golf nào đấy. Mỗi thẻ thành viên của một sân golf 18 lỗ tại Việt Nam hiện nay trung bình từ 20,000 -25,000USD. Một số sân golf mới đi vào hoạt động giá thẻ thành viên có thể cạnh tranh hơn một chút. Riêng đối với sân golf “siêu riêng tư” thì giá có thể lên đến 50-60 ngàn USD, thậm chí còn cao hơn rất nhiều, tuỳ thuộc vào định vị đẳng cấp của chủ đầu tư. Do mang giá trị lớn nên tấm thẻ thành viên đôi khi còn dung để thể hiện đẳng cấp của một golfer!
2. Khoá học cơ bản:
Tuy nhiên, để ra sân chơi một vòng golf 18 lỗ thật sự tự tin thì bạn còn phải hội đủ một số điều kiện. Cũng như các môn thể thao khác, ngoài năng khiếu, bạn cũng cần “tầm sư học đạo” để trang bị những kỹ thuật và kỹ năng cơ bản về golf. Một khoá học golf với thầy người Việt học phí khoảng 1.000-2.000USD kéo dài trong thời gian 3 tháng, chưa kể tiền phí thuê banh mỗi lần tập và tiền phí ra sân thực hành. Với các Pro nước ngoài thì học phí cao hơn rất nhiều lần nhưng bù lại là được dạy một cách chuyên nghiệp hơn. Trong thời gian đầu, bạn chưa cần trang bị cho mình một túi gậy đắt tiền, chỉ cần cây gậy Sand, cây Wide, cây Iron, cây Drive và trang phục golf là đã có thể ung dung đến sân tập.
3. Bộ gậy golf:
Sau thời gian “tầm sư học đạo” để chuẩn bị ra sân chinh phục từng đường golf, bạn phải tậu cho mình một bộ gậy golf phù hợp với thể trạng và túi tiền của mình. Theo kinh nghiệm của nhiều golfer lão làng thì Pro sẽ là người tư vấn giúp bạn chọn gậy tối ưu nhất. Giá một bộ gậy cũng “thiên biến vận hoá” tuỳ vào thương hiệu, hay nói nôm na là “tiền nào của nấy” – một túi gậy có thể dao động từ vài ngàn USD đến vài chục ngàn USD. Túi gậy cũng thể hiện đẳng cấp của bạn đấy!
4. Phương tiện ra sân golf:
Khi sở hữu thẻ thành viên, trang bị kỹ năng chơi golf và tậu cho mình túi gậy ưng ý là bạn đã đặt một chân vào cộng đồng golf. Vậy còn chần chừ gì nữa mà chưa chịu lên kế hoạch chinh phục các lỗ golf? Vấn đề bạn quan tâm ở đây là làm sao đưa được túi gậy ra sân golf. Chẳng lẽ bạn thành lập hội “mô tô golf” để cuối tuần cùng nhau ra sân golf trong khi hầu hết những người chơi golf hiện nay điều là những đại gia thành đạt. Họ đến với golf khi đã hội đủ điều kiện cần và đủ của môn thể thao này, trong đó có xe hơi. Tất cả những trang bị cho golf đều thể hiện đẳng cấp của golfer, và xe hơi không ngoại lệ!
5. Phí chơi golf:
Chắc bạn đã hình dung ra phần nào “chân dung một golfer” tại Việt Nam. Để được ra sân chơi golf đều đặn mỗi tuần còn tuỳ thuộc vào hầu bao của bạn. Nếu bạn không có thẻ hội viên, mỗi tuần ra sân một lần vào ngày thường, phí cũng tầm 80-100USD cho một vòng golf 18 lỗ; cuối tuần phí sẽ tang lên khoảng 100-120USD. Còn nếu bạn có thẻ hội viên của sân thì phí chơi golf sẽ giảm đáng kể khoảng 20-50USD cho một vòng golf. Đây là mới tính phí chơi golf, chưa kể đến tiền trà nước, tiền típ cho người kéo gậy và đặc biệt là khoản tiền…cá cược. Vậy trung bình mỗi lần ra sân golf, bạn cũng phải mất một khoản tiền tương đương một tháng thương cơn bản của một viên chức nhà nước, khoảng 4-5 triệu đồng (với điều kiện là không cá cược). Mỗi tuần ra sân một lần thì mỗi tháng bạn cũng “đầu tư” cho golf khoảng 20 triệu đồng. Còn theo kinh nghiệm của các golfer có biệt danh “cá sấu” thì vị chi mỗi lần ra sân golf cũng phải tốn ít nhất 15 triệu đồng.
6. Học về luật golf:
Khi đến với golf, mọi người có suy nghĩ rất đơn giãn, rèn luyện sức khoẻ, giao lưu…mà ít chú ý đến khía cạnh khác rất quan trọng của môn thể thao này. Đấy là môi trường để thể hiện và có thể hoàn thiện tính cách cũng như văn hoá của người chơi. Chính vì vậy, ngoài các điều kiện trên, bạn cũng cần trang bị cho mình vốn kiến thức tối thiểu về luật golf và văn hoá ứng xử trên sân golf. Có thể mới ra sân bạn chưa phải là golfer giỏi nhưng bạn hãy là golfer đích thực theo đúng nghĩa được mọi người quý mến và kính trọng. Văn hoá trên sân golf sẽ là lăng kính thể hiện tính cách của người chơi!
Mỗi môn thể thao đều có tiêu chí khác nhau nhưng tựu chung cũng chỉ để thư giãn, rèn luyện sức khoẻ, gặp gỡ giao lưu và ăn mừng thành tích. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khan, nhiều golfer phải cắt giảm chi tiêu và điều chỉnh lịch ra sân golf. Một anh bạn có thâm niên trong làng golf chia sẻ rất chân thành, đã đến với golf rồi thì khó từ bỏ nên hướng giải quyết duy nhất là giảm dần tần suất ra sân. Lịch ra sân thưa dần, mỗi tuần còn 1 lần, đến mỗi tháng 2 lần, rồi dần dần đến mỗi tháng chỉ còn 1 lần nhằm xoa dịu bớt “cơn nghiện” golf.
Chính vì vậy, đừng vì một trào lưu “thể hiện mình” mà tạo them áp lực cho bản than khi lỡ vướng vào “ma tuý xanh”. Hãy thận trọng trước khi quyết định gác vợt chuyển sang cầm gậy nhé!