Bảo tồn và phát triển giống như con dâu với mẹ chồng, không thể nào dung hoà được với nhau. Bài học ở Sapa hay Tam Đảo cho thấy rõ điều này. Kinh nghiệm là thà giao cho những ông lớn, có đủ tiềm lực kinh tế để làm một cách bài bản, giao cho họ đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm bảo tồn trong dự án, buộc họ phải tuân theo dưới sự giám sát chặt chẽ, còn hơn là để phát triển manh mún, rơi vào tay các nhóm lợi ích rồi băm nát Cần Giờ.
Một dự án khi nó mang tính khoa học liên ngành phức tạp như dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, thì càng cần có góc nhìn cẩn trọng và khách quan. Một xã hội văn minh, các ý kiến khác biệt kích thích tìm đến đến sự văn minh hơn. Tuy nhiên, nó sẽ không còn là văn minh khi thiếu vắng sự minh bạch thông tin và rộng cửa giám sát.
Không muốn mất một cái cây nào thì cũng khó mà có tòa lâu đài nào mọc lên được. Cũng đừng vì cái cây con con không được xâm phạm, mà cản trở một công trình kiến trúc khiến loài người phải ngưỡng mộ...Tất nhiên phải được đưa ra công khai đề mọi người dân góp ý, thậm chí mở các cuộc hội thảo khoa học đối với những công trình có ảnh hưởng hay tác động đến môi trường. Các nhà chuyên môn sẽ có những kiến giải chẳng hạn xê dịch đi, làm thấp tầng lại, nguồn cát lấp lấy ở đâu, có ảnh hưởng môi trường...đúng là nên phát triển Cần Giờ, nhưng tới mức độ nào cho phép, là phải bàn kỹ.
Khi bắt tay triển khai phải đo lường ảnh hưởng của dự án đến đời sống người dân, đến rừng ngập mặn...Phải đánh giá nghiêm túc tác động môi trường của dự án. Chắc chắn tác động này sẽ rất lớn và tiêu cực nếu hành động sai. Thử hình dung mức độ xói lở đất đai nếu dự án hút hàng trăm triệu mét khối cát ở sông Tiền, sông Hậu để san lấp nền đô thị. Nội vấn đề này thôi đã là một “đại vấn đề” phải được giải trình công khai, minh bạch để xoá tan mọi hoài nghi của xã hội.
Còn nhiều ý kiến khác, như: Làm gì thì làm, phải giữ được “lá phổi - rừng sác”, vùng bãi triều với nhiều loại cây con đặc sắc và quý hiếm; hoặc phải giải đúng bài toán “lượng cát khổng lồ sẽ được lấy từ đâu mà không gây xói lở và sạt lở”…Đó là những vấn đề cần lời giải từ phía doanh nghiệp và cả từ phía Nhà nước. Những ý kiến phản biện nghiêm túc đó phải được trả lời một cách thuyết phục.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến, tỏ thái độ “cực đoan" cho rằng dự án tham lam phục vụ lợi ích cá nhân, mục tiêu là chiếm đất, phá hoại môi trường để tìm kiếm lợi nhuận, hủy hoại những thứ tốt đẹp…Đọc kỹ thì thấy đa số những ý kiến này được phát ra với sự hiểu biết chưa đầy đủ về dự án. Những ý kiến loại này không phải đặt vấn đề phản biện đúng nghĩa!
Cũng may là hiện nay, những ý kiến kiểu bác bỏ như thế không nhiều. Với những phản biện nghiêm túc, người làm dự án được hưởng lợi nhiều, giúp họ có thêm luận cứ, cơ sở để bồi đắp thêm tính hợp lý của dự án, tránh những hậu quả và xung đột xã hội không đáng có.
Phản biện là tốt, thậm chí là cần thiết. Nhưng phản biện phải mang tính xây dựng và tạo điều kiện cho chủ đầu tư họ làm tốt hơn. Một số người cứ mượn danh phản biện mà thực ra chưa chắc đã hiểu đúng, hiểu đầy đủ vấn đề. Cứ thấy động đến dự án liên quan môi trường là nhảy dựng lên. Cách phản biện đó chỉ kéo lùi đất nước lại phía sau!
Viện dẫn ý kiến của ông Võ Văn Kiệt để cho thấy, ngay cả những người đã khôi phục rừng Sác Cần Giờ cũng không cực đoan đến mức không cho phát triển hài hòa bên cạnh những vùng cần bảo tồn. Thời ông Kiệt viết thư này chưa có Vingroup, chưa có kinh tế tư nhân mạnh, và tôi tin là ông Kiệt cũng không thể hình dung có ngày sẽ có một dự án quy mô như hiện nay. Tôi ủng hộ một dự án lớn thay vì xé lẻ Cần Giờ. Chỉ những dự án lớn thì mới có đủ năng lực xử lý các vấn đề mà chúng ta lo ngại. Tất nhiên, ủng hộ một chủ trương không có nghĩa là ủng hộ việc bỏ qua một quy trình minh bạch đánh giá đầy đủ các tác động nhiều mặt của nó, không chỉ môi trường. Đồng ý với ông Kiệt ý tưởng đánh thức tiềm lực nhưng không có nghĩa là rập khuôn ý tưởng của ông mà vẫn phải xem xét cách thực hiện ý tưởng đó từ góc nhìn hiện đại, bằng những giá trị và công cụ mà thời ông Kiệt chưa xuất hiện.
Chúng ta cũng thấy chủ đầu tư là doanh nghiệp phát triển bền vững hay kinh doanh bất động sản, nếu họ cố xây dựng để bán hay xong thủ tục pháp lý, triển khai một số hạng mục, phần còn lại sang tay cho nhà đầu tư khác thì trách nhiệm về sau ai lãnh ? Khu BaSon đáng lẽ ra phát triển không gian cộng đồng, kết hợp dịch vụ tổng hợp để sinh lời lâu dài đã biến thành những tòa chung cư nem chặt người tạo thêm gánh nặng áp lực hạ tầng xã hội lên khu trung tâm. Tình trạng kẹt xe và ngập nước tại con đường nhà giàu cũng khóc Nguyễn Hữu Cảnh là minh chứng về đánh mất tiềm năng khai thác nguồn lực xã hội!
Nhìn nhận một cách khách quan, ở Việt Nam hiện nay, nhìn đi nhìn lại thì cũng chỉ có mấy ông lớn đủ tiềm lực để triển khai dự án này! Hãy giao cho người có tóc để mà nắm hơn là giao cho kẻ trọc đầu! Nếu không giao cho những đơn vị lớn đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm triển khai thì cuối cùng bảo tồn hiển nhiên cũng không giữ được mà phát triển thì sẽ thành phiên bản của một Sapa hay một Tam
Đảo mà chúng ta chứng kiến như hiện nay. Lúc ấy hối hận thì cũng đã muộn!
Phạm Sông Thu