Hình ảnh lon bia Huda phủ lên chùa Cầu - biểu tượng của di sản văn hoá thế giới phố cổ Hội An (Quảng Nam) - để quảng bá cho sản phẩm bia đã gây phản ứng trong dư luận, cả chính quyền địa phương cũng phản đối. Nội dung và hình ảnh quảng cáo chạm đến các biểu tượng văn hoá luôn là chủ đề nhạy cảm.
Chuyện liên quan đến tấm pano quảng cáo có hình biểu tượng chùa cầu Hội An bị đổi sang màu xanh giống tông màu nhận diện thương hiệu của thương hiệu này và được đặt cạnh lon bia Huda khổng lồ bị công chúng ở Quảng Nam phản đối. Một công trình di sản văn hoá bị phủ lên một màu sắc thương mại đã làm tổn thương cộng đồng địa phương bao đời gắn bó với hình ảnh biểu tượng này.
Một bài học phải trả giá là trước đó không lâu vào tháng 6/2017, Carlsberg Việt Nam cũng từng sử dụng hình ảnh di tích ở Huế như Ngọ Môn, cầu Trường Tiền...để quảng cáo cho bia. Hình ảnh phía trước Ngọ Môn của cố đô Huế được phủ kín một lớp chai bia, lon bia một màu xanh ngắt. Nối hai bờ sông Hương thơ mộng, thay cho các chân cầu, cầu Trường Tiền cũng được ốp lên mình hàng loạt chai bia khổng lồ. Hình ảnh trên rất phản cảm đã bị dư luận yêu Huế khi đó phản đối gây gắt.
Biểu tượng văn hoá luôn là một vấn đề nhạy cảm. Nếu như một ngày đẹp trời, màu rồng vàng trên cầu Rồng Đà Nẵng bổng nhiên biến thành màu đỏ phục vụ cho mục đích thương mại cũng có thể nhận được phản ứng tương tự. Một thương hiệu sơn nào đó quảng cáo phủ lên cầu Trường Tiền màu sắc sặc sở chẳng hạn, chắc chắn sẽ nhận sự phản đối giận dữ của công chúng yêu xứ Huế thơ mộng.
Không phải lúc nào việc dùng hình ảnh biểu tượng để quảng bá cũng phải theo đúng màu sắc nguyên bản. Chợ Bến Thành TP.Hồ Chí Minh không phải lúc nào cũng có màu vàng chanh đặc trưng, Cầu Thê Húc tại Hà Nội không phải lúc nào cũng xuất hiện với màu đỏ, tháp Eiffel Paris hay tháp nghiêng Pisa ở Italia….không phải lúc nào cũng có màu nguyên bản trên các quảng cáo.
Nội dung quảng cáo cần phải tuân thủ theo sự điều chỉnh của luật Quảng cáo và các quy định liên quan. Tuy nhiên, việc xây dựng nội dung quảng cáo có gắn với di sản văn hóa thì cần phải được nghiên cứu thấu đáo, cẩn trọng trên tinh thần tôn vinh được giá trị di sản và tôn trọng ý nguyện của cộng đồng sở hữu di sản đó.
Khai thác ở mức độ phù hợp sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho thương hiệu, hình ảnh biểu tượng văn hoá sẽ tôn vinh và lan toả thông điệp cho sản phẩm thương mại. Nếu phạm phải đến yếu tố thẩm mỹ làm tổn thương đến ảnh hưởng của biểu tượng văn hoá thì hậu quả không chỉ thiệt hại về tài chính, thậm chí có nguy cơ bị xã hội quay lung tẩy chay sản phẩm.
Sai lầm trong nhãn quan nhận thức trước các vấn đề văn hoá nhạy cảm dẫn đến một mệnh lệnh hành chính cấm quảng cáo sẽ kéo theo những thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Toàn bộ nguồn lực đầu tư cho kế hoạch marketing đang chạy liên quan tới quảng cáo trên các kênh truyền thông bị phá sản. Ngay lập tức phải rót thêm nguồn lực cho kịch bản xử lý khủng hoảng truyền thông để sớm đưa thương hiệu vượt qua. Và chuẩn bị một chiến lược marketing mới sửa sai để không ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng.
Biểu tượng văn hoá luôn là chủ đề nhạy cảm. Khi sử dụng một biểu tượng văn hoá, mục đích của doanh nghiệp ngoài kinh doanh còn là thể hiện sự trân trọng với văn hoá địa phương. Nếu cộng đồng địa phương phản đối, doanh nghiệp nên chọn giải pháp đối thoại với người dân địa phương và cơ quan quản lý để nhận được sự thấu hiểu ủng hộ trước khi bắt tay triển khai chiến dịch marketing.
Song song đó, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu sẵn sàng đồng hành bởi nếu không có yếu tố đồng thuận, điều này đồng nghĩa với người tiêu dùng địa phương có thể tẩy chay không dùng hàng, nhà phân phối địa phương tẩy chay bán, người có liên quan ở địa phương từ chối quảng bá hay giới thiệu.
Trong các sự cố truyền thông, đúng hay sai không phải là điều quan trọng nhất mà là sự hợp lý hay không trong mắt người tiêu dùng và xã hội. Mục đích kinh doanh, kết quả bán hàng mới là thước đo thành công của một chiến dịch marketing – truyền thông.
Phạm Sông Thu