BPhone là sản phẩm điện thoại thông minh đầu tiên do Việt Nam sản xuất xứng đáng là một niềm tự hào! Thương hiệu điện thoại Việt Nam sản xuất vừa ra mắt đã làm tốn giấy mực của hàng loạt kênh truyền thông.
Cách mà BPhone thực hiện là mới tại Việt Nam nhưng từ lâu trên thế giới những thương hiệu mỗi khi ra mắt sản phẩm vẫn thực hiện trình tự các bước như BPhone vẫn làm, người dẫn đầu cho trào lưu này chính là thương hiệu Apple.
Steve Jobs đã trở thành bậc thầy vĩ đại về giới thiệu sản phẩm. Ông luôn biết tìm cách "khiêu khích báo chí" tới mức nó cứ tự tiếp tục lan ra, như một phản ứng dây chuyền. Đó là một hiện tượng mà ông sẽ có thể lặp lại bất cứ khi nào có một sản phẩm mới tung ra thị trường.
Giống như một nhà ảo thuật, ông có thể khiến các mánh khóe của ông liên tục diễn ra hết lần này đến lần khác lặp đi lặp lại. Nhưng cái mà không bất kì thương hiệu nào có thể bắt chước được đó là định vị và cảm nhận về sản phẩm. Apple thành công bởi một Steve Jobs luôn truyền cảm hứng cho mọi người về tính sáng tạo, cái đẹp, sự giản đơn và suy nghĩ khác.
Gã khổng lồ Apple luôn dẫn đầu về công nghệ là điều mọi người phải công nhận. Thương hiệu này đã đánh giá được tầm quan trọng của PR ngay từ những ngày khởi đầu. Họ chọn phương thức xây dựng cảm nhận sự khác biệt cho sản phẩm và truyền cảm hứng thông qua vị thuyền trưởng CEO Steve Jobs.
Trở lại câu chuyện ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh đầu tiên mang thương hiệu BPhone. CEO Nguyễn Tử Quảng cũng có cách làm tương tự, tuy nhiên công chúng lại đón nhận sản phẩm với tâm thế “người Việt ủng hộ hàng Việt” và liên tưởng tới một vị CEO được gắn biệt danh định vị là “nổ”.
Một chiến dịch PR chỉ được xem là thành công khi tạo được hiệu ứng tốt trong công chúng – điều này BPhone đã làm rất tốt. Ở một khía cạnh khác là cảm nhận, BPhone có tạo ra những cảm nhận tốt cho người tiêu dùng Việt Nam. Bằng cách tiếp cận đánh mạnh vào yếu tố của lòng tự hào dân tộc, người Việt sử dụng hàng Việt xem như BPhone thành công ở khía cạnh truyền thông.
Còn đánh giá trên mục tiêu doanh số bán hàng, nếu không có những điều chỉnh hợp lý, thương hiệu này khó lòng tồn tại được trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nơi mà những thương hiệu quốc tế đi đầu về công nghệ hàng chục năm, với hình thức sản xuất tối giản chi phí và sản phẩm hội tụ đủ những yếu tố “thực sự” dẫn đầu. Nhiều sự kiện đã chứng minh tạo ra hiệu ứng truyền thông không có nghĩa là “thành công” về mặt thương hiệu.
Ngay từ những ngày đầu ra mắt, nhiều luồng ý kiến dư luận liên tục xuất hiện trên mạng xã hội về chiếc điện thoại made in Vietnam nhưng đa phần lớn ghi nhận BPhone là sản phẩm trí tuệ Việt cần ủng hộ. Chỉ giới trẻ tỏ thái độ không thích những thông điệp gây sốc như “số một thế giới”, “đẹp nhất nhì thế giới”. Khách quan mà nói, BPhone đã thực sự tạo ra hiệu ứng truyền thông lớn, tuy nhiên hiệu quả về mặt marketing và truyền thông lâu dài cần có thời gian để chứng minh.
Trong truyền thông có một thuật ngữ “Thỏi nam châm” để nói đến những thương hiệu, những sản phẩm có sức thu hút được giới truyền thông đăng tin bài cho mình mà không phải bỏ ra bất kì một khoản chi phí nào. BPhone đã làm được điều này vào đỉnh điểm của chiến dịch truyền thông, mặc dù giai đoạn đầu phải bỏ tiền chạy bài tự giới thiệu ở những kênh truyền thông lớn, nhiều người quan tâm nhất Việt Nam.
Sau khi đã tạo ra hiệu ứng, thu hút và gây tò mò, giống như kích hoạt lên dây cót cho một chiến dịch, châm ngòi cho hàng loạt bài báo, mạng xã hội chia sẻ liên tục và tất nhiên là được giới thiệu miễn phí. BPhone vừa ra mắt từ cậu bé vô danh trở thành hoàng tử đã biến mình thành một thỏi nam châm, hút những kênh truyền thông về công nghệ và những trang tin tức hàng đầu Việt Nam.
Một điểm khác biệt có lẻ Steve Jobs sống lại phải gọi CEO của BPhone bằng sư phụ ở chiêu trò tạo scadal! BPhone luôn biết cách “tạo ra những tranh luận rắc rối”, đây là cách hiệu quả cao và phù hợp với xu hướng phát triển của truyền thông mạng xã hội hiện nay. Tạo ra tranh luận rắc rối không những thu hút sự quan tâm của công chúng, mà thủ thuật này còn giúp cá nhân hóa thông tin. Mỗi cá nhân sẽ tham gia vào tranh luận và truyền thông cho BPhone lan toả trên không gian mạng.
Trong khi BPhone kết thúc với hiệu ứng ủng hộ sản phẩm hàng Việt và những phát ngôn gây “sốc”. Đây không phải là định vị, định vị “nổ” thậm chí được xem là tiêu cực trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng thực tế hai luồng dư luận cũng chỉ nói về lòng tự hào và nhân vật đại diện là CEO với biệt danh “nổ”. Cả hai đều không mang lại lợi ích cho sản phẩm về lâu dài.
Bằng việc đánh mạnh vào yếu tố của lòng tự hào dân tộc, người Việt sử dụng hàng Việt và những chiêu trò tạo ra những rắc rối xem như thành công về hiệu ứng! Chiến dịch truyền thông tạo nhận biết cho chiếc điện thoại thông minh BPhone xem như thành công, không đo đạc bằng số lượng sản phẩm bán ra, nó được đo trên hiệu ứng từ công chúng và cảm nhận của khách hàng về sản phẩm.
Cái cần nhất mà BPhone cần làm về khía cạnh truyền thông là xây dựng cho công chúng được những cảm nhận trải nghiệm về sản phẩm rõ ràng, cảm nhận một cách riêng biệt về sản phẩm. Chứ không phải là hiệu ứng truyền thông một cách rầm rộ nhưng doanh số bán hàng thì đi ngược lại sức nóng của hiệu ứng truyền thông!
Số lượng sản phẩm tiêu thụ là kết quả cho một chiến dịch marketing và truyền thông. Tuy nhiên xét về góc độ PR thì một thương hiệu được gọi là thành công khi được sự ủng hộ từ công chúng với nhiều dòng, nhiều thế hệ sản phẩm khác nhau. Công chúng có niềm tin và ủng hộ thương hiệu. Việc tạo hiệu ứng truyền thông cho BPhone chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, khó có thể làm điều đó lần thứ hai. Bởi vì không phải thương hiệu nào cũng có thể làm được như Steve Jobs, nhiều thương hiệu Trung Quốc Hàn Quốc đã bắt chước quy trình PR, ra mắt sản phẩm tương tự Apple nhưng kết quả không như họ kỳ vọng.
Sử dụng những cách thức đã thành công trên thế giới để giới thiệu sản phẩm đến công chúng là một cách làm hay. Có thể copy khai thác tính hiệu quả và hạn chế rủi ro. Tuy nhiên khi “bắt chước” cũng cần chọn lọc và đầu tư nghiên cứu thật sâu để có những cái nhìn rộng sâu hơn. Thay vì tạo ra hiệu ứng truyền thông rầm rộ bằng việc đánh mạnh vào yếu tố của lòng tự hào dân tộc, người Việt sử dụng hàng Việt và những chiêu trò tạo ra những rắc rối thì hãy tập trung tạo ra sự khác biệt cho chất lượng sản phẩm.
Đường dài mới biết ngựa hay. Để đưa BPhone trở thành một thương hiệu điện thoại thông minh Việt Nam có thể vượt qua cái vỏ bọc của thị trường Việt Nam, chinh phục nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới. Muốn làm được điều này, hãy khiêm tốn, nói ít làm nhiều, tập trung vào nghiên cứu phát triển sản phẩm, phải thực sự tạo sự khác biệt để có chất liệu xây dựng nên câu chuyện PR về công năng sản phẩm và lan truyền nó theo hướng tích cực. Khi sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và cạnh tranh song phẳng với các thương hiệu quốc tế.
Ai cũng biết Steve Jobs là một thiên tài PR, ông đã nhìn nhận được tầm quan trọng của PR trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hãy học cách mà Steve Jobs xây dựng thương hiệu Apple đã trở thành văn hóa nổi bật trong suốt thời gian dài. Hãy học cách mà Steve đã tạo ra thương hiệu lối sống độc nhất trong ngành công nghiệp công nghệ cao!
BHphone hãy khiêm tốn copy điều tốt từ gã khổng lồ công nghệ Apple để phát triển thành công một thương hiệu điện thoại thông minh made in Vietnam! Hy vọng con tuấn mã BPhone phi nước đại về đích, chinh phục đoạn đường dự báo "lành ít dữ nhiều" để ghi tên mình trên bản đồ thị trường cộng nghệ của thế giới!
Phạm Sông Thu