Gã là tay làm truyền thông có mối quan hệ cực rộng với báo chí nước Nam. Rộng nhưng không lỏng. Gã nắm rõ hành trạng nghề nghiệp của rất nhiều người trong làng báo.
Vì nhiều mối mang, nhiều việc, nên câu hẹn hò phổ thông “Bữa nào cà phê nha” của nhân loại, qua tay gã được nâng thành câu hứa lèo kinh điển nhất mọi thời đại. Ai mà không được gã chốt câu này, chắc là người xa lạ trên phố.
Người viết lần đầu gặp gã trong một sáng cách nay 15 năm, khi đó gã còn làm báo. Gã ngồi hiền queo bên cạnh nữ đồng nghiệp mặn mà, thi thoảng đế đôi câu, rằng thì là mà rủ rê làm nội dung cho một tờ tạp chí.
Chắc những người đàng hoàng tìm tới nhau, kiểu ngưu tầm ngưu. Chứ sau bữa cà phê ở quán Sỏi Đá ấy, nữ đồng nghiệp định cư tận Mỹ, làm cho một tờ báo người Việt ở California, mà những mã tầm mã vẫn chưa làm cho nhau bài báo nào.
Đường đời chia muôn ngả, gã lúc làm tờ báo này, khi tổ chức cho tạp chí nọ, đẻ ra tuần báo kia. Mỗi khi nghe tin gã hùng dũng nhảy việc, nối theo đó thường là tin báo giảm trang, bớt kỳ, tạp chí đóng cửa.
Gã lần tới lãnh địa truyền thông. Tưởng lo hẹn hò cà phê miết không còn thời gian để làm báo, nhưng gã vẫn không buông tha. Tưởng chỉ làm mấy cuốn tạp chí cho giới thượng lưu ấy không thôi, gã còn ủ mưu viết sách.
Giờ đây, gã ra mắt cuốn sách “Truyền thông theo phong cách win-win”, tích cóp, đúc kết kinh nghiệm làm báo trộn với ngón nghề làm truyền thông bao năm. Ở quán cà phê năm nào, gã tặng người viết cuốn sách vừa đem về từ nhà in với câu thòng rằng đây là cuốn đầu tiên.
Mở sách ra cho gã vui, ngay cú lật đầu tiên, run rủi thế nào lại trúng trang 148 mà trong đó gã viết rằng, “nếu chuyên nghiệp và tôn trọng người đọc, cuối bài viết, các KOLs cần phải ghi rõ: bài viết theo đơn đặt hàng của XYZ...”.
Vậy thôi, không review cuốn sách đâu. Viết thì phải ghi rõ là theo đặt hàng, trong khi gã có đặt hàng đâu. Mới đọc tình cờ mà đã trúng câu móc họng rồi. Lật thêm ít trang nữa thì thấy gã đồng nghiệp Phạm Tấn Lời hiền queo ngày xưa, giờ thành Phạm Sông Thu ngoa ngoắt rồi.
Biên xong cuốn sách này, gã lại làm việc quần quật chỉ mong gom đủ lộ phí đi mấy chỗ gần gần như Nam Phi, Bắc Mỹ, để lại viết sách, viết báo. Nghề chữ nghĩa ngày càng khó khăn mà giờ còn phải chia sớt, cưu mang một thầy viết, nuôi thêm một miệng ăn.
Nhà báo Võ Tiến, Nguyên TKTS báo Phụ Nữ TP