Hình ảnh một người mẫu Trung Quốc lóng ngóng dùng đũa để thưởng thức những món ăn phương Tây trong video quảng cáo của D&G đã gây ra sự phẫn nộ và làn sóng tẩy chay thương hiệu trên khắp đất nước tỷ dân.
Thị trường tiềm năng của các thương hiệu xa xỉ đến từ phương Tây nhưng Trung Quốc cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ về thảm họa trong các chiến dịch marketing - truyền thông.
Người lên ý tưởng cho chiến dịch quảng bá này có lẽ đã không lường trước được hậu quả khi đề cập đến vấn đề văn hóa. Nếu không nghiên cứu kỹ văn hóa của nước sở tại, sản phẩm của bạn có thể bị coi là xúc phạm và phân biệt chủng tộc.
Trước làn sóng đòi tẩy chay sản phẩm, để cứu vãn tình thế, D&G đã "chữa cháy" bằng thông báo cho rằng tài khoản Instagram của thương hiệu và của người đồng sáng lập công ty, ông Stefano Gabbana đã bị hack đồng thời đưa ra lời xin lỗi và khẳng định sự tôn trọng của họ với người tiêu dùng Trung Quốc.
Cho dù lời xin lỗi có chân thành và thiện chí nhưng mọi việc dường như đã quá muộn khi làn sóng tẩy chay thương hiệu thời trang đến từ Ý ngày càng lan rộng. Nhìn từ góc độ của một người làm nghề truyền thông rõ ràng đây là một sai lầm của thương hiệu này dưới góc nhìn liên văn hóa.
Sau Dolce Gabbana đến lượt Burger King gặp "tai nạn” tương tự cũng chỉ vì đôi đũa đã phải gỡ một quảng cáo. Thông điệp quảng cáo bị cho rằng đã miệt thị người châu Á dùng đũa khi sử dụng hình ảnh những người châu Âu lóng ngóng ăn bằng đũa. Khác với Dolce Gabbana, có tình tiết làm bằng chứng kết tội (social account) của 1 trong 2 nhà sáng lập có phát ngôn xúc phạm người Trung Quốc.
Việc sáng tạo nội dung mà không tìm hiểu kỹ càng và áp dụng ở thị trường nước ngoài có thể là một hành động mạo hiểm. Bởi mỗi nền văn hóa có những giá trị khác nhau từ đó cũng có những phong tục tập quán khác nhau. Điều này đòi hỏi những người làm marketing, truyền thông phải có sự nhậy cảm về văn hóa. Trong trường hợp này Burger King đã bước qua lằn ranh của sự nhạy cảm.
Khi bắt tay vào sáng tạo thông điệp luôn tâm lý và cách thức mà các nền văn hóa khác giao tiếp sẽ giúp chiến dịch quảng cáo tiếp cận tối đa với khách hàng tiềm năng. Và tất nhiên bạn cũng có thể lựa chọn cách giao tiếp rõ ràng hoặc ẩn ý.
Nếu đối tượng mà bạn tiếp cận không có quá nhiều người nắm được thông điệp cơ bản hoặc các vấn đề liên quan đến chủ đề, bạn có thể lựa chọn việc truyền thông nó một cách rõ ràng và trực tiếp để cung cấp thông tin. Một số khác lại lựa chọn cách thể hiện ẩn ý vì họ đánh giá người nghe có khả năng hiểu được những hàm ý nội dung đó.
Một hình ảnh không được giải thích rõ ràng có thể gây ra hiểu nhầm ở đối tượng công chúng mục tiêu mà đây cụ thể là những người tiêu dùng châu Á. Một số người có thể coi rằng đây là sự thiếu tôn trọng với văn hóa châu Á.
Nó có thể là những những điều nhạy cảm về lịch sử, tôn giáo, chính trị, giới tính, quan niệm xã hội, yếu tố ngôn ngữ, phi ngôn ngữ…Trong quá khứ có nhiều thương hiệu lớn đã phải trả giá khi chạm phải những cấm kỵ về mặt văn hóa. Mức độ nhạy cảm của những cộng đồng khác nhau là khác nhau. Trong mỗi cộng đồng sự nhạy cảm của mỗi người lại khác nhau tùy theo lứa tuổi, văn hóa, tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, nhận thức, trải nghiệm sống.
Người có nhạy cảm về truyền thông đa văn hóa luôn có một phản xạ kiểm tra xem quảng cáo của mình, hay rộng hơn là thông điệp của thương hiệu mình có có chạm phải những yếu tố nhạy cảm, hay những điều cấm kỵ văn hóa và tôn giáo hay không.
Khi quảng cáo ra nước ngoài, các giá trị văn hóa làm nền tảng cho xã hội phải được phân tích kỹ lưỡng. Đâu là tôn giáo được đa số người dân tôn sùng? Xã hội đa đảng phái, phân cấp hay có hệ tư tưởng chính trị như thế nào? Đâu là phong tục tập quán, lối sống riêng của họ? Tất cả những điều tưởng chừng như không liên quan như thế lại có sức ảnh hưởng rất nhiều tới các chiến dịch quảng cáo nếu không được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ngôn ngữ chính là chìa khóa để quảng cáo khai thác yếu tố văn hóa trở nên hiệu quả. Có một sự thật rằng hầu hết các công ty đều thất bại trong việc đối soát ý nghĩa của tên công ty hoặc sản phẩm hay slogan. Điều này chứng tỏ rằng các vấn đề không được giải quyết đúng đắn. Có rất nhiều những ví dụ về sai lầm trong việc sử dụng ngôn ngữ quảng cáo. Vì ngôn ngữ phải được phân tích phù hợp với văn hóa của nó.
Một quảng cáo thành công là khi bạn đủ thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm này, sinh ra là dành cho họ. Bằng cách sở hữu sản phẩm đó, họ sẽ nhận được những lợi ích, ở một khía cạnh nào đó, có thể là lối sống, địa vị, sự thuận tiện hoặc tài chính hay những thứ khác tương tự như thế.
Tuy nhiên, khi một chiến dịch quảng cáo được đưa ra nước ngoài, các giá trị và nhận thức khác nhau sẽ khiến những giá trị này không còn tồn tại. Vì vậy, điều quan trọng đối với bất kỳ chiến dịch quảng cáo văn hóa đó chính là việc thấu hiểu nền văn hóa đó một cách tường tận, thấu đáo.
Chẳng hạn, một quảng cáo tập trung vào thành công cá nhân, tính độc lập và nhấn mạnh vào cái tôi cá nhân có thể sẽ được đón nhận nồng nhiệt ở các quốc gia đề cao chủ nghĩa cá nhân. Nhưng chắc chắn nó sẽ nhận được những phản hồi không mấy thiện cảm, thậm chí là cực đoan từ những quốc gia thiên về tập thể, sự đoàn kết, tinh thần đồng đội.
Các thương hiệu cần hết sức chú ý và tốt nhất là tránh động chạm đến những chủ đề nhạy cảm về văn hóa – chính trị – xã hội như: lịch sử buồn, tôn giáo, chính trị, xung đột, bạo lực, phân biệt chủng tộc, quan niệm, giá trị…để tránh gây ra các “tai nạn” truyền thông không đáng có.
Trong nguy luôn luôn có cơ, sau những tai nạn như thế này chắc chắn yếu tố văn hóa trong kinh doanh, trong truyền thông, marketing quốc tế sẽ được chú trọng hơn và bạn sẽ có có một thị trường quốc tế trong đó đó những khác biệt văn hóa được thực sự tôn trọng.
Chỉ có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông–quảng cáo mới mang đến cho thương hiệu những đề xuất mới mẻ, táo bạo với những concept độc đáo nhưng vẫn luôn đảm bảo được việc khai thác tối đa khách hàng dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng về insight, văn hóa hay phong cách doanh nghiệp.
Phạm Sông Thu