Sự việc Mytel của Viettel bị Facebook cáo buộc sử dụng mạng xã hội để dìm hàng đối thủ tại Myanmar mà đằng sau là một công ty truyền thông thực hiện cho thấy mức độ chuyên nghiệp của các hoạt động PR bẩn nhắm thẳng trực tiếp vào đối thủ. Đây là một trong số rất nhiều chiêu trò truyền thông bẩn mà những người làm công tác xây dựng thương hiệu xem là bài học bỏ túi trong hành trang của mình.
Quan hệ công chúng (PR) luôn là một khái niệm kinh doanh quan trọng, tuy nhiên gần đây, PR đang dần hé lộ mặt tối của nó. Một số công ty/ tổ chức đang ngày càng sử dụng các chiến thuật và các chiến dịch PR bẩn để bôi nhọ nhằm hạ gục đối thủ để cạnh tranh miếng bánh thị trường.
PR đen hay PR bẩn về cơ bản đề cập đến hành động làm mất uy tín của một cá nhân, một tổ chức với mục đích hủy hoại danh tiếng và uy tín của họ. PR bẩn dần đạt được sức hút trong những năm qua và hiện tại đã đạt đến giai đoạn mà mức độ phổ biến là đáng báo động. Thậm chí nó không còn là những hành động nhỏ lẻ hay phát ngôn bột phát mà được xây dựng thành những chiến dịch bài bản hẳn hoi, có cả những công ty truyền thông đứng đằng sau các chiến dịch PR bẩn này.
Đình đám về chiêu trò truyền thông bẩn không thể không nhắc tới vụ tập đoàn Masan dìm nước mắm truyền thống. Chiêu trò này cũng vừa được một số KOL sử dụng khi review so sánh dịch vụ của hãng Bamboo Airline dìm hàng đối thủ VietJet và JetStart!
Trong lĩnh vực công nghệ, trên trang facebook cá nhân của ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch hội đồng quản trị của Bkav đã làm cộng đồng dậy sóng với status có tít khiến cho dân công nghệ cho rằng đá xéo một thương hiệu điện thoại Việt sắp vừa tung ra một sản phẩm mới.
Gần đây nhất là Dr Thanh vô tình đã so sánh thành tích nộp thuế với 2 ông lớn trong ngành đồ uống Pepsi và Coca-Cola hay gần đây phát biểu “90% người Việt ăn gạo bẩn” của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho thấy việc tung tin đồn thất thiệt, nửa sự thật hoặc thiếu kiểm chứng để triệt hạ đối thủ không còn là điều mới mẻ tại Việt Nam.
Trên thế giới cũng không hề thiếu những chiến dịch PR bẩn được các công ty sử dụng, nổi tiếng tại Trung Quốc với hai tập đoàn lớn Alibaba và Tencent. Tập đoàn Tencent đăng ảnh chụp màn hình các bức thư điện tử nội bộ của Alibaba, trong đó có các bản thảo về những câu chuyện chống lại Tencent. Hóa ra, Alibaba đang nghiên cứu các bài báo thảo luận về sự bất ổn được cho là của đội ngũ quản lý tại WeChat, sản phẩm nhắn tin tức thời trên điện thoại di động của Tencent.
Những công ty bị tấn công vì đối thủ không chỉ mất đối thủ mà trong nhiều trường hợp có thể phá sản. Không chỉ với những công ty nhỏ mới bước chân vào thị trường mà những công ty, tập đoàn lớn cũng có thể gặp phải.
Có nhiều chiêu trò của PR bẩn, Các công ty có thể tung ra những thông tin sai làm hoang mang dư luận, hoặc rò rỉ những thông tin mật chưa có sự kiểm chứng, lợi dụng người tiêu dùng đưa ra những đánh giá tiêu cực. Cho dù có sử dụng chiêu thức gì đi nữa thì PR bẩn vẫn với một mục tiêu duy nhất là loại bỏ đối thủ trên thương trường.
Trong thế giới mà hầu hết khách hàng đều sử dụng internet để tìm hiểu về sản phẩm, công ty trước khi ra quyết định mua hàng thì PR bẩn càng có nhiều đất để sống, việc tung ra thông tin sai lệch có thể gây ra thiệt hại lớn và gây nguy hiểm cho hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp bởi vì số lượng người truy cập vào thông tin đó là rất lớn.
Khi môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng cao cùng với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là Internet thì bất kỳ ai cũng có thể tạo nội dung, viết đánh giá hoặc để lại nhận xét tiêu cực về công ty hoặc tổ chức trên mạng xã hội, lợi dụng điều này, nhiều công ty thực hiện các chiến dịch tung tin đồn nhằm ám hại đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Tất cả chỉ nhằm đưa đối thủ vào con đường khủng hoảng.
Ngày nay, nếu một doanh nghiệp đột nhiên thấy mình là chủ đề của các sự kiện tin tức xấu đan xen và việc đưa tin rầm rộ trên các phương tiện truyền thông làm tổn hại đến danh tiếng của mình, thì đó cũng có thể là mục tiêu của “chiêu bài PR đen tối” do công ty đối thủ tạo ra.
Đứng trước chiêu trò PR bẩn, đòi hỏi các doanh nghiệp hiện nay phải hết sức tỉnh táo, cần bình tĩnh trước những tin đồn trên mạng, luôn có sẵn một kế hoạch xử lý khủng hoảng với những vấn đề có thể nảy sinh. Quan trọng nhất là cần có một đội ngũ theo dõi các thông tin trên mạng, để kịp thời phản ứng trước khi nó lan rộng. Đừng quên định vị chính xác thương hiệu, tạo ra một lượng khách hàng trung thành, củng cố danh tiếng của công ty - đây là điều mà vào thời điểm khó khăn sẽ làm dịu đi những cú đánh và giúp tránh những tổn thất lớn về danh tiếng và tài chính.
TS Hoàng Xuân Phương