Khi biết mình chuyển nghề sang làm ở một trường Đại học, khá nhiều chị đã tin cậy gọi cho mình hỏi về việc chọn trường nào cho con. Thường các chị hay hỏi: "Em, chị muốn cho con đi du học, theo em nên chọn trường nào?". Xong mình hỏi lại: "Thế con thích đi nước nào hả chị? Và khả năng chi trả của nhà mình thế nào?". "Thì đi Mỹ đi, ở đó học trường nào thì tốt hả em?"
"Trường cứ trong top 200 thế giới thì đều tốt chị ạ. Nhưng mỗi trường sẽ có thế mạnh một số ngành, nên con phải thích ngành gì thì mới chọn được trường phù hợp. Ngoài ra thì còn nhiều yếu tố lắm như trường đó ở vùng yên tĩnh hay náo nhiệt, mà tính cách con có hợp không... Thôi chị cứ đưa con qua đây em nói chuyện xem mong muốn, khả năng của con ra sao rồi mới chọn được."
"Nhưng cháu đi học suốt ngày bận lắm, không đi được. Em cứ chọn trường nào môi trường học tốt, ngành nào mà tốt nghiệp có việc làm tốt ấy."
Mình và khá nhiều bạn cùng lớp ĐH với mình chính là nạn nhân của lối tư duy đó. Chọn trường tốt nhất (điểm đầu vào cao nhất), ngành học ra trường việc làm có lương cao (kinh tế đối ngoại Tiếng Nhật), và rồi khi học thì nhận ra mình không hề thích nó. Chúng mình đã âm thầm học cho xong môn Tiếng Nhật ấy suốt 4,5 năm trời. Và khi ra trường quên nó ngay lập tức.
Ký kết hợp tác giữa ĐH South Carolina (Mỹ) và ĐH Ngoại Thương về trao đổi sinh viên và liên kết đào tạo. (Nguồn: Internet)
Một ngành hiện tại có đầu ra tốt không có nghĩa là 5-6 năm sau, khi các con ra trường ngành đó còn hot nữa vì có thể nhu cầu xã hội đã bão hòa hoặc xã hội đã chuyển hướng. Và một ngành hot nhưng khi người học không yêu thích nó, không thực sự học tốt thì ra trường vẫn không thể có việc làm tốt. Biết bao cử nhân hiện giờ đi chạy xe ôm-có lẽ nhiều ban trong số đó khi chọn ngành học đã không biết mình học để làm gì. Vì vậy, thay vì chọn ngành hot thì các cha mẹ nên cho con chọn ngành con yêu thích. Nếu con chọn học ĐH Nông nghiệp-cũng không sao cả, nếu con thực sự yêu thích dù sau khi ra trường không có được việc làm ở các bộ ban ngành, con cũng sẽ trở thành những ông bà chủ của các trang trại hữu cư-ngày ngày câu cá trồng rau chèo thuyền hái quả-cuộc sống chẳng phải đáng mơ ước hay sao.
Ra trường mình đã đi làm 10 năm cho các tập đoàn lớn để rồi nhận ra mình yêu thích công việc trồng người. Và giờ mỗi ngày mình cặm cụi gặp gỡ, email thuyết phục các trường nước ngoài trao đổi sinh viên, để có thêm có hội cho các em sinh viên đi học nước ngoài miễn phí và đón các em sinh viên nước ngoài về Việt Nam, để các sinh viên FTU được "du học tại chỗ".
Sinh viên trường ĐH QG Uruguay học khoá ngắn hạn tại ĐH Ngoại Thương (Nguồn: Internet)
Vậy nên mình đã trả lời rất thật rằng "Chị ơi tư vấn định hướng nghề thì không thể tư vấn ào ào được. Mình mua đồ dùng còn phải bỏ công tìm hiểu tính năng, dù đồ dùng ấy chỉ dùng vài tháng hay vài năm. Còn nghề nghiệp sẽ theo con cả cuộc đời mà."
Trao đổi hợp tác giữa ĐH Ngoại Thương và ĐH Trinity (Canada) (Nguồn: Internet)
Những lời này viết ra chỉ mong các cha mẹ bỏ công để tâm sự với con nhiều hơn. Thực ra không cần phải đi làm quần quật kiếm tiền cho con đi học thêm tối ngày rồi đi du học sớm. Sau đó lại buồn vì chúng nó quên mất quê hương, không gần gũi cha mẹ. Giờ trong nước giáo dục cũng đã tốt hơn rất nhiều, có nhiều lựa chọn phù hợp với các con. Thế nên các bậc cha mẹ cứ thong thả làm việc và tận hưởng những giờ phút gần gũi bên con. Các con sẽ hạnh phúc hơn nhiều.
Bùi Mai Thủy (Đại học Ngoại Thương Hà Nội)