Sự kiện Bộ phận nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) của tạp chí The Economist vừa công bố báo cáo về nhóm người giàu mới nổi trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới về số người giàu mới nổi trong giai đoạn 2014 - 2020, chỉ sau Ấn Độ và Indonesia.
Báo cáo này còn cho rằng Việt Nam sẽ có 347 người giàu mới nổi vào năm 2020, tăng gần 35% so với 57 người hồi năm 2014. Tổng tài sản của nhóm này sau 5 năm tới sẽ đạt hơn 68 triệu USD, tương ứng 196.000 USD mỗi người. Đây là những cá nhân có tài sản trung bình từ 100.000 đến 2 triệu USD (tương ứng từ 2 - 42 tỉ đồng). Việt Nam được dự báo là 1 trong 5 nước mà nhóm người giàu mới nổi tăng trưởng nhanh trong giai đoạn từ năm 2014 - 2020.
Người giàu mới nổi là một hiện tượng mang tính toàn cầu quan trọng của nền kinh tế thế giới. Nhóm này có vai trò lớn trong thúc đẩy sự gia tăng tài sản tiết kiệm và các hoạt động kinh tế. Đặc điểm chung của nhóm này là những người giàu tự thân, nhận thức xã hội cao và rất chú trọng vào đầu tư gia tăng giá trị tài sản hiện có.
Một đất nước vừa thoát nghèo như Việt Nam có số người giàu tăng nhanh là điều đáng mừng nhưng sự giàu lên quá nhanh khiến chúng ta không khỏi quan ngại về sự phân hóa khoảng cách giàu – nghèo dễ gây tổn thương cho nền kinh tế còn nhiều chông chênh.
Theo một chuyên gia kinh tế, nhóm người giàu của Việt Nam tăng nhanh chủ yếu đến từ các lĩnh vực bất động sản và khai thác tài nguyên; chưa thấy bóng dáng của những người Việt giàu lên nhanh mà sản phẩm của họ tạo ra gắn liền với chất xám hay nói chính xác là hàm lượng công nghệ.
Những người giàu nhanh, một phần nhờ vào vận may, họ khởi nghiệp từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển nên phất lên nhanh chóng. Khi quay về đầu tư tại Việt Nam, phần lớn trong số đó chọn lĩnh vực bất động sản nên mới giàu nhanh như thế, chứ thực tế số người giàu lên từ sản xuất kinh doanh tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một số người Việt giàu nhanh gắn liền với khối tài sản thật và tên tuổi thương hiệu của doanh nghiệp uy tín trên thị trường đáng trân trọng và tự hào. Tuy nhiên, vấn đề chúng ta cần quan tâm ở đây chính là số người giàu nhanh này có phải là đầu tàu để kéo nền kinh tế phát triển, có hỗ trợ gì cho sự phát triển của đất nước, đóng góp gì cho xã hội hay không, hay họ giàu lên nhờ cơ hội...
Cơ hội kinh doanh sẽ bình đẳng cho tất cả mọi người một khi đã bước vào sân chơi kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thực tế cơ chế, chính sách của Việt Nam chưa thật sự minh bạch, vẫn còn nhiều bất cập đã tạo khe hở cho một số ít người tiếp cận được với cơ hội đó. Chính vì vậy, việc giàu lên quá nhanh của một lớp người sẽ không tránh khỏi sự hoài nghi về tính bền vững của khối tài sản họ tạo ra.
Thực tế cho thấy, sau khi đất nước đổi mới, có rất nhiều người đã khởi nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng họ đã đưa ra được giải pháp, sáng kiến cố gắng vượt khó vươn lên, thoát khỏi bế tắc để sản xuất tốt, tìm thị trường, xây dựng thương hiệu, làm giàu chính đáng, góp phần hữu ích và đóng góp lớn cho xã hội nhưng tài sản của họ cũng chưa phải thuộc dạng giàu và giàu nhanh. Thực tế cho thấy, người dân Việt Nam vẫn đang ở mức nghèo với thu nhập bình quân đầu người chỉ gần 2.000 USD/người/năm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người các quốc gia phát triển khác đến 50.000 USD/người/năm.
Các nhà phân tích đưa ra những dự báo tích cực về viễn cảnh kinh tế, trong đó chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục là mảnh đất hấp dẫn cho nhóm người giàu mới nổi tăng trưởng trong vòng 2 thập kỷ tới.
Không biết đây có phải là tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế đất nước hay chỉ đào sâu thêm khoảng cách giàu – nghèo khiến cho bức tranh xã hội ngày càng phân hóa?