Gần đây, nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng một số địa phương cho đầu tư quá nhiều các dự án sân golf. Nhiều người cho rằng, sự nóng long thu hút đầu tư của các địa phương bằng việc cho phát triển ồ ạt các sân golf sẽ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Song, cũng có nhiều ý kiến khác lên tiếng sân golf không ảnh hưởng môi trường mà trái lại còn làm đẹp cảnh quan, góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại không phải là số lượng sân golf mà là bản chất của việc phát triển ồ ạt các dự án sân golf vừa qua. Đây có thể không phải vì kinh doanh thể thao thuần tuý mà đằng sau là những lợi ích về bất động sản.
Chuyện Qui Hoạch Và Đầu Tư Sân Golf (Nguồn: Internet)
Trong bối cảnh nước ta đang mở cửa hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng, việc phát triển sân golf để phục vụ các nhu cầu về thể thao, du lịch và thương mại đầu tư là cần thiết. Bản than sân golf không có tội. Các dự án golf bị dư luận lên án vì chiếm đất nông nghiệp, phát triển tràn lan gây ô nhiễm môi trường, tạo bất bình đẳng xã hội…Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đầu ngành về địa chính, qui hoạch, kính trúc, nông nghiệp…cho rằng đó không phải là hệ quả của sân golf mà do cách làm của các nhà hoạch định cũng như các nhà quản lý.
Theo tôi, bất cứ một dự án nào cũng có ảnh hưởng tốt, xấu đến đời sống của người dân, môi trường và kinh tế của đất nước. Người nông dân có thể bị mất đất vì sự phát triển của các sân golf nhưng nếu mảnh đất ấy làm nông nghiệp không hiệu quả mà khi đầu tư sân golf mang lại cho họ một công việc tốt hơn, môi trường xung quanh đẹp hơn thì cũng nên khuyến khích đầu tư. Điều quan trọng ở đây là cần phải cân nhắc các lợi ích và những tác động không tốt của nó đến đời sống kinh tế- xã hội thì mới có thể tìm ra được một giải pháp hợp lý.
Chuyện Qui Hoạch Và Đầu Tư Sân Golf (Nguồn: Ảnh mạng)
Một dự án sân golf được quy hoạch và phân bố hợp lý sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân và xã hội. Nó sẽ đi cùng với sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đường sá tốt hơn cho một địa phương, điều này thử hỏi có đáng làm không trong thời điểm mà Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng tốt hơn để phục vụ phát triển kinh tế. Hơn nữa, khi sân golf đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho vài trăm lao động, thậm chí cả ngàn lao động địa phương.
Và khi golf phát triển đúng định hướng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khách du lịch đến Việt Nam chơi golf. Sân golf được xây dựng ở những “sa mạc” cát trắng như Phan Thiết, Nha Trang, Quảng Nam, Phan Rang…hay những vùng trung du đất đai bạc màu còn giúp chống xói mòn, sạt lở nhờ được phủ xanh bởi sân golf.
Sân Golf Sealink - Phan Thiết (Nguồn: Internet)
Một khu đất làm nông nghiệp không hiệu quả sẽ thu được bao nhiêu tạ thóc nếu so sánh với nguồn thu ngoại tệ từ các dịch vụ cho một sân golf và khu phức hợp du lịch giải trí mang lại? Điển hình là vùng đất hoang hoá thuọc địa bàn Điện Ngọc hay Thăng Bình (Quảng Nam) cách đây gần 10 năm không trồng cây gì được ngoài cây dương để chống xâm thực của biển mà giờ đây mọc lên sân golf Montgomerie Links và sân golf Vinpearl Nam Hội An đẳng cấp quốc tế, giải quyết được vài tram lao động địa phương có việc làm ổn định và trở thành hấp lực thu hút khách du lịch đến khúc ruột miền Trung.
Sân Golf Vinpearl Nam Hội An (Nguồn: Ảnh mạng)
Quy hoạch phát triển sân golf có định hướng sẽ hạn chế được rất nhiều tác động không tốt – mà các ý kiến không đồng tình cho là “hệ luỵ” mang lại từ sân golf. Tốt nhất, chỉ nên đầu tư sân golf trên những khu đất làm nông nghiệp không hiệu quả hoặc những khu đất không có khả năng làm nông nghiệp. Một tỉnh thuộc vựa lúa miền Tây như Long An dĩ nhiên không thể nào quy hoạch gần …20 dự án sân golf khi một sân golf ít nhất gần 100 ha đất. Khi đó, “hệ luỵ” từ đầu tư sân golf là đời sống người nông dân khốn đốn, an ninh lương thực bị ảnh hưởng…
Thử làm phép so sánh với Thái Lan, họ có dân số khoảng 65 triệu dân và có đến hơn 265 sân golf cho cả người Thái và khách nước ngoài mà vẫn đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo. Trong khi Việt Nam hiện tại chỉ có chưa đến 50 sân golf đang hoạt động cho một đất nước có đến hơn 90 triệu dân, chưa kể đến số lượng lớn du khách, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Như vậy, điều quan trọng là đầu tư hiệu quả hay không mà thôi!
Đầu tư sân golf còn cần tính đến nhiều vấn đề được –mất, lợi –hại. Như tại Lâm Đồng, khi sân golf hiện hữu Dalat Palace kinh doanh không hiệu quả vì giao thong đi lại còn khó khan thì địa phương không nên chấp thuận quy hoạch them 3-4 dự án sân golf như hiện nay. Chắc chắn cung sẽ vượt cầu, nhà đầu tư khó thu hồi vốn, địa phương sẽ mất đi quỹ đất lẽ ra dành để đầu tư lĩnh vực khác. Càng không thể phá bỏ những cánh rừng, thung lung, thác nước tự nhiên như một dự án sân golf ở phía Bắc đã đề xuất vì sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, xói mòn đất…Dự án này đã bị cơ quan chức năng quyết định tạm dừng.
Sân Golf hiện hữu Dalat Palace (Nguồn: Ảnh mạng)
Trước câu hỏi “dừng hay thêm” các dự án sân golf, theo khảo sát ý kiến của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, du lịch, kiến trúc…thì số lượng sân golf ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Điều đáng lo ngại mà các chuyên gia quan tâm không phải là ở số lượng sân golf mà là bản chất của việc phát triển ồ ạt các dự án sân golf vừa qua. Đây có thể không phải vì kinh doanh thể thao thuần tuý mà đằng sau là những lợi ích về bất động sản. Tỷ như dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, nếu thuần tuý về sân golf thì đâu có khiến nhiều chuyên gia bức xúc, lo lắng cho sự an toàn của ngành hang không. Bởi sân golf chỉ là thảm thực vật được tạo dáng mấp mô thành những đường golf với các chướng ngại hồ nước, hố cát, bụi cây…chứ bản than sân golf không mọc lên những toà nhà cao đến 12 tầng tạo nên chướng ngại cho mày bay khi cất hạ cánh. Thực tế kết quả kiểm tra các dự án sân golf cho thấy chỉ có khoảng 40% diện tích đất được sử dụng làm sân golf, 60% còn lại dành cho các hạng mục bất động sản.
Việc bảo trì, bảo dưỡng sân golf ít nhiều cũng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa phải là vấn đề đáng lo ngại. Khách chơi golf hiện nay phần lớn là những người thành đạt, họ không bỏ tiền ra lội bộ 5, 6 giờ đánh golf để hít hoá chất độc hại. Hơn nữa xu hướng thiết kế sân golf dựa vào địa hình thiên nhiên và giảm thiểu sử dụng các loại hoá chất sẽ hạnchế thấp nhất những tác hại đến môi trường. Ở đây, có chăng là vấn đề sử dụng rất nhiều nước ngọt để tưới cỏ sân golf mỗi ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước.
Hiện nay, việc chơi môn thể thao này vẫn còn xa xỉ với nhiều người vì số sân đang hoạt động là quá ít trong khi phí còn quá cao. Số người chơi golf chắc chắn sẽ không dừng lại khoảng vài chúc ngàn người chơi golf như hiện nay mà sẽ ngày càng tăng. Vì thế việc có thêm nhiều sân golf là cần thiết. Vấn đề ở đây là cần có một tầm nhìn chiến lược để phát triển golf đúng định hướng.
Phạm Sông Thu (Theo Golf &Resort)