Tiếp nối sự hấp dẫn và thú vị từ cuốn sách “Truyền thông theo phong cách Win-Win”, tác giả Phạm Sông Thu tiếp tục gây ấn tượng bởi cuốn sách “Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết? Đây chính là combo hoàn hảo cho những ai yêu thích lĩnh vực truyền thông và quản trị truyền thông.
“Cuộc chiến thương hiệu- Sáng tạo hay chịu chết”, cuốn sách ra đời nhằm tạo ra một cẩm nang hướng dẫn dưới góc nhìn của người trong nghề. Một sản phẩm từ trải nghiệm và quan trọng hơn, được sinh viên, chủ doanh nghiệp, những người làm truyền thông muốn nghiền ngẫm, vận dụng dưới góc nhìn trải nghiệm thực tế của tác giả.
Với 336 trang, tương ứng 15 chương, cuốn sách là cẩm nang hữu ích cho những ai yêu thích lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là câu chuyện thương hiệu và những “cái chết” không đáng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn lao đao vì khủng hoảng truyền thông. Những câu chuyện này được tác giả minh chứng cụ thể, chi tiết và phân tích dưới mọi góc nhìn, giúp người đọc hình dung đa chiều và khách quan nhất.
Hiệu quả truyền thông không dễ đo lường, chỉ mang định tính hơn là định lượng, nhưng việc tạo ra hình ảnh riêng và tăng thiện cảm từ phía khách hàng, điều chỉnh hành vi tiêu dùng từ công chúng là đích đến.
Tất cả các khủng hoảng luôn luôn nằm ngoài kế hoạch và việc xử lý khủng hoảng truyền thông cũng là một nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra là làm sao để giải quyết, kết nối tốt mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp nên ứng xử thế nào cho vẹn cả đôi đường, kết nối để báo chí không những đồng hành với doanh nghiệp mà phải đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước, với bạn đọc, thậm chí cả với khách hàng của doanh nghiệp.
Bạn có tò mò về cuộc chiến gay cấn thậm chí là không hồi kết của các thương hiệu nổi tiếng như Coca-Cola với Pepsi, Samsung với Apple, Airlines và Jet Airways hay những cách ứng xử, quan hệ với báo chí của Tập đoàn Vinamilk đã diễn ra và họ đã xử lý như thế nào?
Cuộc “so găng” giữa các thương hiệu sẽ vẫn tiếp diễn trong môi trường kinh doanh diễn ra như thế nào? Chiến lược phát triển của các doanh nghiệp hiện nay cũng như bài học kinh nghiệm của những người làm truyền thông thương hiệu.
Bật mí rằng chương 1 “Chết vì chiêu trò” sẽ hé mở những câu chuyện hấp dẫn nhưng rất thực tế vì chiêu trò của các thương hiệu nổi tiếng như TH True Milk, Acecook, G7 hay Nestle đôi khi lại khiến chính họ điêu đứng...Chương 1 của cuốn sách sẽ giải đáp chi tiết với những ví dụ đời thường và thực tế nhất trong xã hội hiện nay. Muốn tìm hiểu kĩ, sâu nội dung này và 14 chương còn lại thì chắc chắn bạn phải sở hữu được cuốn sách quý báu này.
Có thể một doanh nghiệp có cả một bộ phận truyền thông lớn được đào tạo bài bản, nắm vững những nguyên tắc xử lý khủng hoảng, nhưng họ vẫn gặp những sai lầm về cách hành xử. Vì vậy, doanh nghiệp cần lường trước, chuẩn bị những kịch bản xử lý cho những tình huống khủng hoảng khác nhau, cuốn sách này sẽ nói cho bạn cần làm gì, xử lý ra sao trong các tình huống được đúc rút từ những câu chuyện thời sự và thực tế.
Nếu doanh nghiệp của bạn buộc phải chọn chết vì chiều trò, chết vì tin đồn, danh tiếng, thái độ ứng xử, ngôn ngữ hay chết vì sáng tạo...? Bạn sẽ chọn cái chết nào để không đớn đau? Chẳng doanh nghiệp, thương hiệu nào muốn mình sẽ chết cả thì cuốn sách này chính là giải pháp thông minh cho bạn!
Đặc biệt, cuốn sách còn mở ra nhiều kiến thức về cách để xây dựng thương hiệu lâu dài, bền vũng mà không bị mắc bẫy đánh tráo khái niệm, đánh bóng tên tuổi hay nghệ thuật xử lý tin đồn, ứng phó với khủng hoảng, dập tắt thông tin tiêu cực, không cho tin đồn cơ hội bùng phát.
Các doanh nghiệp trên thế giới thường có nhận thức rõ ràng về giá trị cốt lõi của họ, là trung thực, là vui vẻ, là sạch, là tiến bộ. Bài học dành cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập thì vô vàn, nhưng có lẽ một trong những bài học vỡ lòng mà các doanh nghiệp của Việt Nam nên học ngay đó là “Kinh doanh trong bất cứ môi trường nào đều phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, tư duy chiến lược dài hơi, thượng tôn pháp luật và thấu hiểu người tiêu dùng.”
Dưới góc nhìn người đang tìm hiểu về lĩnh vực này, đối với tôi, cuốn sách chính là bí kíp dạy các nghệ thuật truyền thông quảng bá thương hiệu, định hướng cho người làm truyền thông tìm nhu cầu đích thực, giá trị đích thực của con người, từ đó phục vụ tốt hơn cho khách hàng mục tiêu. Sử dụng nghệ thuật truyền thông quảng bá thương hiệu không chưa đủ, mà phải sử dụng nghệ thuật đó trên nền tảng đạo đức.
“Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết ”- điều quan trọng cần phải được nhắc lại hai lần, một cuốn sách ghi lại toàn bộ tất tần tật bài học kinh nghiệm quản trị truyền thông và xây dựng thương hiệu. Tất cả đều được bật mí trong cuốn sách này.
Cảm ơn mọi người đã đọc hết bài viết của mình. Trên đây là một vài điều thú vị mà tôi tâm đắc khi đọc cuốn sách này của tác giả Phạm Song Thu. Còn bạn, bạn có phát hiện thú vị gì về bài học truyền thông thương hiệu?
Hy vọng rằng những gì mình chia sẻ sẽ là động lực để các bạn cho cuốn sách này vào kệ sách của bản thân nhé. Chúc các bạn đọc sách vui vẻ.
Nguyễn Thuý Hằng (Chuyên viên PR)