Theo dõi tin tức, báo đài hằng ngày, hẳn mọi người đều thường xuyên bắt gặp những tin như: “Vingroup kích hoạt thêm 100 tỷ tài trợ chống dịch bệnh Covid-19, Vinamilk tặng sữa cho 40.000 trẻ em nghèo tại 40 tỉnh thành khó khăn, Tập đoàn Hòa Bình thưởng U23 Việt Nam 1,5 tỉ đồng,…” Bạn có bao giờ thắc mắc, tại sao các doanh nghiệp lại làm vậy? Bài viết này Cam sẽ giải thích cho mọi người “CSR” là gì và qua đó, giúp các bạn giải đáp thắc mắc trên nhé.
CSR là gì?
CSR (Corporate Social Responsibility): trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, là những cam kết của doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế, xã hội nói chung. CSR gắn bó chặt chẽ với nguyên tắc phát triển bền vững.
Vai trò của CSR đối với doanh nghiệp:
CSR góp phần xây dựng sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Cuộc điều tra năm 2014 do Nielsen tiến hành cho thấy: có đến 73% người ở Việt Nam khi được hỏi, chấp nhận trả mức giá cao hơn cho các sản phẩm của các công ty có uy tín về CSR.
Bài học đắt giá cho việc kinh doanh thiếu trách nhiệm là những bê bối gây nhức nhối dư luận, dội lên làn sóng tẩy chay một thời: “Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải, Formosa xả thải làm cá chết hàng loạt,…” Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội hay CSR đang càng ngày càng được chú ý hơn tại môi trường kinh doanh Việt Nam. Doanh nghiệp phát triển trường tồn đều là những doanh nghiệp có ý thức và hành động vì xã hội.
Ở một góc độ khác, những chiến dịch CSR của doanh nghiệp cũng chính là một công cụ quảng bá mạnh mẽ cho thương hiệu. Qua việc tổ chức, xây dựng những sự kiện, chiến dịch vì cộng đồng, môi trường xã hội có liên quan đến sản phẩm của thương hiệu, những chiến dịch CSR được tổ chức rộng rãi sẽ đồng thời mang lại tiếng tăm cho doanh nghiệp và gây dựng tình yêu dành cho thương hiệu của khách hàng. Công chúng sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp về brand và dễ dàng đón nhận sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong tương lai.
CSR và hiệu ứng truyền thông.
CSR: “Vinamilk 40 năm – Vươn cao Việt Nam”
Đi đầu trong những chiến dịch CSR từ lâu ở Việt Nam là Vinamilk. Nổi bật hơn cả là chiến dịch “Vinamilk 40 năm – Vươn cao Việt Nam” năm 2016, kỷ niệm 40 năm thành lập. Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam của Vinamilk đã được trao đến 40.000 trẻ em nghèo tại 40 tỉnh thành khó khăn trên cả nước. Thông điệp của chiến dịch mà Vinamilk muốn gây dựng và thực hiện là xây dựng giá trị cho xã hội, cho những địa phương còn khó khăn, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng với hy vọng “Mọi trẻ em đều được uống sữa mỗi ngày”. Bên cạnh Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, Vinamilk còn kết hợp thúc đẩy sự kiện qua nhiều kênh truyền thông:
- TVC “Vinamilk 40 năm – Vươn cao Việt Nam”: đạt gần 5 triệu views Youtube khi kết thúc chiến dịch, 20 triệu views Zing mp3, đưa tin trên hơn 20 đầu báo và kênh truyền hình.
- Loạt bài viết trên các báo về hành trình 40 năm của Vinamilk: hơn 200 tin bài trên khoảng 50 đầu báo và kênh truyền hình.
- Sử dụng hàng loạt KOLs nổi tiếng truyền thông trên mạng xã hội: Tóc Tiên, Hoàng Bách, Miu lê,….
- Event “40 năm Vinamilk – Giấc mơ sữa Việt” phát trực tiếp trên VTV 1, VnExpress và Youtube và đưa tin bài trên khoảng gần 30 đầu báo.
Đây là một chiến dịch CSR thành công, gắn liền với thương hiệu và mang lại giá trị thiết thực, ý nghĩa cho cộng đồng. Cách truyền thông khéo léo, đa dạng, bao quát trên nhiều nền tảng. Vinamilk đã thêm một mảnh ghép cho câu chuyện “Vươn cao Việt Nam” và một bước tiến gần hơn đến trái tim khách hàng.
CSR mùa bóng đá
Bóng đá từ lâu luôn là bộ môn thể thao vua thu hút đông đảo sự chú ý của nhân dân. Điển hình như những trận bóng của U23 Việt Nam năm 2018 đã làm sục sôi tinh thần Việt. Vậy khi các doanh nghiệp treo thưởng hay thưởng nóng cho các tuyển thủ bóng đá, rất nhanh sau đó, tin tức về số tiền thưởng cho đội bóng và doanh nghiệp thưởng sẽ được cập nhật nhanh chóng qua báo, đài, tivi,…và cả trên kênh truyền hình trực tiếp mà toàn dân đang đón xem. Như vậy, doanh nghiệp vừa cổ vũ tinh thần các anh thi đấu, vừa thể hiện sự đóng góp của mình với bóng đá nước nhà, và cũng là một cách vô hình đưa thương hiệu mình vào tiềm thức của người xem, nhận được cảm tình từ họ.
VCK U23 châu Á năm 2018, U23 Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp. Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là một trong những gương mặt đi đầu cổ vũ cho các tuyển thủ bóng đá bằng cả vật chất và tinh thần. Ngay sau chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam trong trận bán kết ông đã gửi thư chúc mừng đến các cầu thủ, hứa thưởng 1 tỷ đồng cho chiến thắng bán kết đồng thời treo thưởng 2 tỷ đồng nếu giành chiến thắng trận chung kết. Ông Lê Viết Hải còn sáng tác và viết lời ca khúc “Ta ra trận” và đăng tải lên kênh youtube của công ty để cổ vũ đội bóng. Tinh thần này của ông đã nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của báo chí và công chúng.
CSR thời Covid
Trong bối cảnh dịch bệnh nguy cấp suốt thời gian qua, từ khoá thu hút mọi sự quan tâm, chú ý của dân chúng, không gì khác chính là: “Covid-19″. Mọi tin tức về số ca lây nhiễm, tình hình dịch bệnh, công tác phòng bệnh,… đều chiếm mọi spotlight, phủ sóng mọi mặt trận truyền thông: báo, đài, tivi,…và đương nhiên, trong số các tin tức về dịch bệnh cũng có sự phủ sóng đáng kể của tin tức về những đóng góp quý giá cho công cuộc chống dịch từ mọi miền tổ quốc. Vậy thì, bằng việc đóng góp cho công cuộc chống dịch chung của toàn đất nước, các doanh nghiệp cũng đồng thời qua đó mang thương hiệu mình đến gần hơn với công chúng. Điển hình cho các doanh nghiệp đi đầu trong việc đóng góp cho công cuộc chống dịch là Vingroup. Những đóng góp của Vingroup đã được đưa tin rộng rãi trên các báo đài, mạng xã hội, kênh truyền hình,… góp phần in đậm hình ảnh “thương hiệu Việt trong lòng người Việt”.
Sai lầm thường gặp của các doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động “trách nhiệm xã hội”
Bên cạnh những chiến dịch CSR mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và tiếng thơm cho doanh nghiệp vẫn còn những nhìn nhận sai lầm về CSR.
Lấy hàng tồn, hàng sắp hết hạn làm quà tặng hay từ thiện.
Tình trạng này đã từng xảy ra không phải 1,2 lần, gây bức xúc trong đông đảo dư luận. Doanh nghiệp cần xác định làm CSR khi đã đủ khả năng, tiềm lực, làm vì lương tâm và giá trị tốt đẹp không phải làm cho có. Bên cạnh đó cũng cần cẩn trọng về “của cho” và “cách cho” nếu không, không những bóp méo ý nghĩa của những việc làm đóng góp cho cộng đồng, xã hội, mà còn để lại tai tiếng cho doanh nghiệp.
Truyền thông sai cách
Những hoạt động CSR xuất phát từ đạo đức và lương tâm. Doanh nghiệp có thể sử dụng kết quả từ các chiến dịch CSR để hỗ trợ việc quảng bá cho thương hiệu. Tuy nhiên, khi sử dụng kết quả của các chiến dịch CSR để quảng cáo, thương hiệu cần kết hợp khéo léo để tránh phản tác dụng và tự biến mình trở thành kẻ lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi. Khi truyền thông sai cách, công chúng có thể nhìn nhận về các quảng cáo CSR như những sự phô trương về thương hiệu và nghi ngờ về giá trị nhân đạo cũng như ý nghĩa của chiến dịch CSR.
Tổng kết
CSR thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội, môi trường xung quanh và cho chính doanh nghiệp. Những hoạt động CSR cần xuất phát từ lương tâm, đạo đức kinh doanh, bắt nguồn từ năng lực cốt lõi của công ty. Không nên coi CSR là một công cụ để quảng bá, đánh bóng thương hiệu. Tuy vậy, không có nghĩa là không thể dùng kết quả của các chiến dịch CSR để quảng bá, những chiến dịch CSR được truyền thông đúng cách sẽ là sự thúc đẩy đắc lực và mạnh mẽ cho doanh nghiệp, gây dựng tình yêu thương hiệu với khách hàng.