Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%, trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do không thể “cầm cự” trước sự tàn khốc của đại dịch Covid-19. Ở chiều ngược lại, tính chung năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước. Bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp lập mới, quay lại hoạt động.
Nhìn các con số có thể thấy rằng đại dịch Covid19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh khi số doanh nghiệp giải thể tăng 18% và số doanh nghiệp thành lập mới giảm đến 13,4%. Tuy nhiên tín hiệu đáng mừng là số lượng doanh nghiệp mở mới vẫn tương đương so với con số đóng cửa, chứng tỏ niềm tin của mọi người về sự phát triển kinh tế vẫn rất lớn và khát vọng khởi nghiệp luôn sẵn có trong mỗi con người Việt Nam. Người Việt Nam nào cũng biết đến câu chuyện khởi nghiệp chỉ với chiếc xe đạp cũ và căn nhà kho 2,8m2 của Ông Đặng Lê Nguyên Vũ-ông chủ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên-một thương hiệu café lớn của Việt Nam đã vươn mình ra thế giới.
Nhưng dù doanh nghiệp lớn đến đâu cũng không thể “ngủ quên trên chiến thắng”, trên tất cả mọi phương tiện thông tin đại chúng, các nhà quản lý, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp đều đồng lòng nhất trí phát biểu “Đổi mới sáng tạo hay là chết”, “Khác biệt hay là chết”, “Thay đổi hay là chết”… Thương hiệu kì cựu như McDonald’s đang nỗ lực thay đổi, thoát ra khỏi cái hình ảnh fast food và kém dinh dưỡng của mình bằng cách loại bỏ các món burger ra khỏi thực đơn của mình. Vài năm trước có lẽ chẳng ai tưởng tượng nổi món Big Mac gắn liền với thương hiệu có logo hình chữ M này có ngày lại phải biến mất khỏi menu. Không những thế, thiết kế trang trí nội thất cũng thay đổi hoàn toàn, lấy tông màu gỗ làm chủ đạo, thay vì màu đỏ và vàng thường thấy. Đồng phục nhân viên cũng khác, có đeo thêm chiếc tạp-dề giống như trong các tiệm ăn hay quán cà phê của Ý. Nói chung, không còn cái gì gọi là McDonald’s nữa ngoại trừ cái logo.
Sáng tạo-một yêu cầu tất yếu đối với tất cả các doanh nghiệp, từ những ông lớn có tuổi đời hàng trăm năm đến những doanh nghiệp non trẻ mới xuất hiện trên thị trường. Để xây dựng được một chỗ đứng trên thị trường thực sự là không dễ dàng, nhưng để duy trì và phát triển được thương hiệu đó là sự đòi hỏi phải luôn tỉnh táo đánh giá thực trạng và liên tục tìm kiếm các hướng đi phù hợp.
Là 1 “điệp viên hai mang” khi anh vừa là 1 nhà báo kỳ cựu lại là một chuyên gia truyền thông dày dặn kinh nghiệm đã từng công tác tại Tập đoàn Vingroup hơn 10 năm, hiện là Phó Giám đốc Truyền thông tại Tập đoàn Novagroup nên tác giả Phạm Sông Thu hiểu rất rõ cái khó của doanh nghiệp và “khẩu vị” của báo chí. Tuy nhiên anh không tham giải quyết mọi vấn đề về sáng tạo trong doanh nghiệp như đổi mới sản phẩm, cải tiến quy trình… mà anh tập trung đi sâu vào phân tích những nguy cơ gây ra khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng thương hiệu cho các doanh nghiệp và chỉ ra cho những người làm truyền thông cách để giải quyết những khủng hoảng đó.
Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn đầy đủ và gần gũi, tác giả đã chọn rất nhiều câu chuyện thương hiệu, bao gồm các thương hiệu lớn trên Thế giới và Việt Nam. Lối viết dễ hiểu, đi từ ví dụ đến thực tế để người đọc dễ rút ra bài học và cách xử lý các vấn đề của Thương hiệu. Một điểm thú vị của cuốn sách là cách đặt tiêu đề các chương, mục rất dễ nhớ như “Không đẩy tướng ra trận”, “Mất bò mới lo làm chuồng”… Với cách đặt tên như vậy người đọc có cảm giác tác giả như một người anh đang thủ thỉ kể cho mình nghe và dặn mình tránh xa những điều đó. Và không chỉ điểm danh những lỗi có nguy cơ mắc phải mà tác giả còn chỉ ra những lỗi do khách quan, tình cờ như bia Corona và con vi-rut Covid19 với cái tên ban đầu cũng là Corona khiến doanh thu hãng bia này thời điểm đó bị giảm mạnh.
Khi lật giở từng trang, người đọc sẽ tìm thấy những điều thú vị, sự dí dỏm của một người nhiều trải nghiệm nghề, nhiều trải nghiệm sống.
Làm thương hiệu cũng như chèo lái một con thuyền. Nếu nhận diện được những nguy cơ sẽ giúp con thuyền Thương hiệu tránh được những con sóng lớn làm lật thuyền, ngập thuyền… và cuốn sách “Thương hiệu-Sáng tạo hay là chết” chính là một cẩm nang cần thiết của những người làm truyền thông trong khi chèo lái con thuyền của mình.
Bùi Mai Thủy Nguyên Phó Trưởng ban Truyền Thông-Tập đoàn Sungroup Hiện đang công tác tại Trường Đại học Ngoại Thương