Thương hiệu Asanzo thành công với sản phẩm điện tử và điện gia dụng được quảng cáo là hàng Việt Nam chất lượng cao, công nghệ Nhật Bản bị khủng hoảng qua loạt bài điều tra của báo Tuổi Trẻ. Cuộc khủng hoảng thương hiệu Asanzo diễn ra như một “ma trận” thông tin khiến cho dư luận đưa ra nhiều giả thuyết mang tính võ đoán. Có thể nói, Asanzo là một doanh nghiệp trẻ xây dựng rất thành công thương hiệu cho một sản phẩm điện tử trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi xảy ra cuộc khủng khoảng truyền thông, họ đã phạm phải một loạt sai lầm có hệ thống.
Cho dù tuyến bài điều tra của Tuổi Trẻ cho rằng sản của Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam khiến cho dự luận lên án Asanzo đã lừa dối khách hàng, không thực hiện đúng như cam kết như những lời quảng cáo thì Asanzo cũng phải cầu thị nhìn lại để tìm ra nguyên nhân trước khi có những phát ngôn vội vã bất nhất, thập chí hở sườn để cho giới truyền thông tận dụng khai thác tử huyệt của mình.
Khách hàng tố sản phẩm của Asanzo kém chất lượng? (Ảnh: Internet)
Khi xảy ra khủng hoảng, Asanzo đã không đủ bình tĩnh để nhận định mức độ nghiêm trọng để đưa ra kịch bản ứng phó mà vội lao vào “ăn thua đủ” vô tình châm thêm dầu vào lửa đẩy cuộc khủng hoảng đến nguy cơ huỷ duyệt thương hiệu. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân, chủ động tiếp cận chia sẻ đối chất để xử lý khủng hoảng từ gốc, Asanzo lại đi nghe theo đội quân thầy dùi tư vấn truyền thông tổ chức họp báo "biện minh" vô tình châm thêm dầu vào lửa khiển cho cuộc khủng hoảng bùng cháy trên mạng xã hội.
Asanzo tiếp tục phạm sai lầm khi sử dụng một số facebooker có ảnh hưởng trên mạng xã hội tung thông tin dẫn dắt dư luận theo hướng họ chỉ là nạn nhân bị báo Tuổi Trẻ đánh vì không chịu hợp tác truyền thông. Sai lầm nối tiếp sai lầm. Họ đã mượn tay các KOL gắp lửa bỏ tay người đẩy cuộc khủng hoảng truyền thông lên đỉnh điểm. Báo Tuổi Trẻ buộc phải tung tất cả những quân bài còn lại, tất cả những thông tin bất lợi cho Asanzo được khai thác đến tận cùng. Người quản trị thương hiệu Asanzo quên một nguyên tắc bất thành văn trong báo chí điều tra, phóng viên nắm thông tin 10, chỉ sử dụng 3, còn 7 để phòng thân quan sát xem phản ứng của đối phương. Một ma trận thông tin được phơi bày với bao giả thuyết, suy đoán, thậm chí qui chụp nhau giữa hai chiến tuyến tung lên mạng xã hội. Cuộc khủng hoảng truyền thông thương hiệu chuyển sang cuộc khủng hoảng pháp lý khi Asanzo khởi kiện báo Tuổi Trẻ ra toà.
Asanzo phạm một sai lầm nghiêm trọng hay là do họ "ngây thơ" cố tình không theo dõi động thái từ các cơ quan chức năng sau khi tuyến bài xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ để biết rõ những ai tham gia và họ muốn gì... để phân định những đối tượng nhằm tìm ra phương án hoá giải. Giải pháp tốt nhất của Asanzo lúc này nên "án binh" nằm im nghe ngóng động thái cơ quan chức năng, quan sát phản ứng của đối thủ cạnh tranh, đồng thời bộ phận Pháp chế rà soát lại hệ thống thông tin nội bộ trước khi theo đuổi con đường pháp lý để giải quyết khủng hoảng. Song song, bộ phận truyền thông, marketing, sales và chăm sóc khách hàng sẵn sàng một kế hoạch hành động để bảo toàn miếng bánh thị trường với doanh thu 6.000 tỉ cũng đủ hấp dẫn bao đối thủ, với nhiều tính toán, chứ ko chỉ đơn giản là 1 vài bài báo!
Câu chuyện khủng hoảng của Asanzo khiến tôi liên tưởng đến 2 vụ khủng hoảng tương tự là Con Cưng và Khaisilk. Hai doanh nghiệp này cũng nhập sản phẩm từ Trung Quốc, thay đổi nhãn mác, rồi đưa ra thị trường bán cho tới khi bị phát hiện. Cuộc khủng hoảng của Con Cưng và Khaisilk là về thủ thuật nó liên quan chiêu trò marketing và truyền thông để phù phép cho một sản phẩm! Còn cuộc khủng hoảng kép của Asanzo là về mô hình quản trị mang tính chiến lược để đối phó với chính sách phát triển hàng hóa của Việt Nam, liên quan đến cam kết hội nhập kinh tế, liên quan đến môi trường cạnh tranh bình đẳng, liên quan đến niềm tin của công chúng, liên quan đến sở hữu trí tuệ và công nghệ.
Thương hiệu Asanzo đang cố vùng vẫy trong cơn bão kép của cuộc khủng hoảng truyền thông và pháp lý. Họ đang lao vào cuộc chiến pháp lý tiên liệu sẽ trường kỳ vì hành lang pháp lý về lĩnh vực này rất khó để minh định! Hay cuộc khủng hoảng kép của Asanzo có cái kết giống như Con Cưng và Khaisilk chỉ là "giơ cao đánh khẽ", chứ không bị hình sự hoá, nhưng e rằng đã quá muộn, vì mô hình kinh doanh khác nhau, lĩnh vực kinh doanh khác nhau, chiến lược phát triển kinh doanh cũng khác nhau và nhất là thời điểm thời điểm xảy ra khủng hoảng được xem rất nhạy cảm trong vấn đề gian lận thương mại...
Asanzo chọn pháp lý để giải quyết khủng hoảng là một giải pháp văn minh nhưng e rằng sợ được vạ má đã sưng!