Cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài hơn 3 tháng và chưa biết đến khi nào kết thúc! Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, công ăn việc làm bị ảnh hưởng. Dịch bệnh càng kéo dài thì đời sống người dân càng bị ảnh hưởng sâu và lan trên diện rộng. Nhà trường đóng cửa, học sinh nghỉ học, đời sống giáo viên đã khó giờ càng khó bội phần trong mấy tháng nay. Nhiều giáo viên xoay sở sang các công việc thời vụ để sống qua ngày như may khẩu trang, bán hàng online, thậm chí có người phải về quê nương nhờ bố mẹ trong thời gian dịch bệnh vì ở thành phố không gồng nổi tiền ăn, tiền thuệ nhà…
Ngành hàng không bị ảnh hưởng ngay từ khi dịch bùng phát. Hàng loạt các hãng bay phải phải hủy chuyến, dừng các đường bay quốc tế, hạn chế tối đa các chặn bay nội địa…kéo theo hàng trăm ngàn lao động mặt đất và trên không phải tạm thời mất việc. Kế đến là ngành du lịch cũng bị “phơi phòng” ngay trong mùa cao điểm. Các đơn vị lữ hành tê liệt cả tour nước ngoài và tour trong nước đành phải cho hàng ngàn nhân viên tạm nghỉ việc không lương mấy tháng nay. Nhiều hệ thống khách sạn lớn phải đóng cửa ngay từ khi dịch bùng phát, đồng nghĩa với việc hàng ngàn nhân sự bị cắt giảm.Khi các hoạt động vui chơi giải trí không cần thiết tạm đóng cửa để chung tay chống dịch kéo theo hàng vạn người mất việc, từ bác bảo vệ trông giữ xe, cô tiếp viên chạy bàn, chị kỹ thuật viên spa, đến anh viên phụ bếp…Khi hoạt động xổ số kiến thiết tạm dừng thì có đến hàng trăm ngàn người bán vé số dạo bị mất kế mưu sinh…
Khi Thủ tướng ban hành chỉ thị cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, hầu như mọi người dân đều ý thức chấp hành nghiêm, hạn chế tiếp xúc xã hội, ra ngoài khi có việc cần thiết, điều này đồng nghĩa với cắt đứt con đường mưu sinh của phần lớn lực lượng lao động phí chính thức trong xã hội. Họ là những người bán hàng rong, chạy xe ôm, thợ hồ, thu mua phế liệu…lao động tay chân kiếm sống qua ngày, không có lương cố định, không có bảo hiểm thất nghiệp, không có bảo hiểm y tế…Họ là những người yếu thế nên dễ bị tổn thương nhất trong cơn đại dịch này.
Rất mừng là cả cộng đồng đang chung tay chia sẻ trên tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều". Câu chuyện như người chủ đại lý vé số nhỏ ở tỉnh Vĩnh Long quyết định hỗ trợ mỗi người bán vé số 50 ngàn đồng/ngày là một nghĩa cử rất trân quý. Cụ bà 84 tuổi năm ngoái xin thoát nghèo, nay nghe lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” đã góp 02 triệu đồng để chống dịch tại xã Lương Sơn, huyện Thanh Xuân, Thanh Hóa ở Thanh Hóa hay câu chuyện bà cụ Đào Thị Huê 87 tuổi ở xã Tân Phú, huyện Bình Sơn, Quảng sẵn sang góp đôi bông tai trị 1,5 chỉ vàng và 3 triệu đồng chung tay vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 thật xúc động đã truyền cảm hứng lan tỏa ra toàn xã hội.
Trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng chính phủ cũng vừa thông qua gói chính sách an sinh xã hội từ ngân sách trung ương và kêu gọi từ nguồn khác là 61.580 tỉ đồng (2,6 tỉ USD) dành cho 6 đối tượng: người có công đang hưởng trợ cấp, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, người lao động tạm dừng lao động, nghỉ không lương do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang làm việc tại các doanh nghiệp…Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội, các bộ- ngành cũng có những đề xuất kịp thời giảm giá xăng dầu, điện nước sinh hoạt, đặc biệt ngân hàng giãn hoặc giảm lãi xuất để chia sẻ gánh nặng tài chính cùng người dân và doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua cơn đại dịch Covid-19.
Hôm qua, gọi điện hỏi thăm một người bạn ở Hà Nội đang khởi nghiệp xem ứng phó thế nào trong tình hình đóng cửa và hạn chế đi lại. Anh bạn thở dài, bảo mới họp team xong, thông báo cắt giảm lương và giao việc mới để chạy mô hình online. Một số nhân viên phàn nàn, vì phải làm những việc không có cam kết trong bảng mô tả công việc, và họ phải làm nhiều thứ mới linh tinh, nhỏ nhặt, không xứng với vị trí họ được tuyển vào. Anh nói, nếu tình hình diễn biến cứ như này thì chỉ cầm cự được giỏi lắm 3 tháng. Rồi sẽ đến lúc phải đưa ra quyết định rất khó khăn về việc cắt giảm nhân sự và cũng không có cách nào lưa chọn khác.
Nếu bạn vẫn đang được hưởng full lương cho đến ngày hôm nay, hãy tỏ lòng biết ơn, vì rất nhiều người khác không được hưởng cái phúc này. Nếu bạn đang được hưởng một phần lương, hãy tỏ lòng biết ơn, vì bạn vẫn còn khá hơn rất nhiều người vừa mất việc. Khi bóng tối đổ lên từng đường ngang ngõ hẹp, là lúc ta nên nhìn về ánh sáng để tìm đường. Xin hãy nhìn về nửa bên ánh sáng của cuộc đời để học cách biết ơn những gì mình đang có.
Trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” trong những ngày qua, nhiều mạnh thường quân, nhiều tổ chức xã hội, nhiều cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng đất nước với nhiều hành động và nghĩa cử đẹp tiếp tục lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Dịch bệnh lay lan thì tình người cũng lan toả.