“Đôi khi, làm việc chăm chỉ thôi chưa đủ. Tại một số thời điểm, những thử thách trở nên thật khó để vượt qua. Nên tiếp tục đương đầu hay cúi chào rồi rời khỏi sân khấu bỗng trở thành câu hỏi nặng nề", cựu chủ tịch BBDO Việt Nam ngậm ngùi chia sẻ.
Cái kết mà ông lớn công ty quảng cáo đa quốc gia BBDO có trụ sở chính tại New York, Mỹ ngậm ngùi rút lui khỏi thị trường quảng cáo Việt Nam sau 13 năm gắn bó cho thấy tương lai là gam màu xám đang bao phủ trên bầu trời ngành quảng cáo Việt.
Là một trong 3 mạng lưới agency quảng cáo lớn nhất toàn cầu, BBDO là công ty quảng cáo có qui mô hơn 15.000 nhân viên hoạt động tại 81 quốc gia. BBDO gia nhập vào thị trường quảng cáo Việt Nam vào năm 2007 với cái tên tiếng Việt là Bay Bổng Đầu Óc.
BBDO là agency đứng sau nhiều dự án quảng cáo của các nhãn hàng lớn như "Lang Liêu Hậu Truyện"(Vinasoy), "Tết mà vui cái đã" (Pepsi), "Mirinda ngon xoắn lưỡi" (Mirinda)...Tuy nhiên, cũng giống nhiều doanh nghiệp phải đầu hàng vì Covid-19, BBDO Việt Nam đã tuyên bố đóng cửa sau 13 năm gắn bó với ngành quảng cáo.
Chứng kiến sự ra đi không kèn không trống của những công ty truyền thông tại Việt Nam trong thời gian gần đây hoặc bị những tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới thâu tóm mới ngộ ra một điều không có gì là không thể bị thay thế. Ngành truyền thông không mất đi mà bị thay thế bằng một phương thức truyền thông mới dựa trên nền tảng công nghệ.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm cho một số ngành biến mất hoặc muốn tồn tại thì phải thay đổi để thích ứng. Ngành truyền thông không phải là ngoại lệ một khi thời đại công dân làm báo, mỗi một tài khoản cá nhân facebook được xem như một tờ báo, thực tế đã cho thấy sức ảnh hưởng của tài khoản facebook không thua kém gì những tờ báo lớn.
Mọi cá nhân đều có khả năng đối thoại trực tiếp với công chúng mà không cần một thứ trung gian chuyên chở thông điệp. Mọi hoạt động xây dựng và quảng bá thương hiệu được chuyển hoá sang việc thẩm thấu vào toàn bộ quá trình hoạt động của một doanh nghiệp.
Xu hướng mỗi công dân là tờ báo và mô hình toà soạn hội tụ chỉ một người sẽ càng ngày càng trở nên phổ biến. Các kênh trung gian đang chết lâm sàng sẽ là cơ hội cho một ngành truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Thay vì trả tiền cho các agency để “chọn mặt gửi vàng” đảm trách đại diện truyền thông cho riêng mình, các doanh nghiệp giờ đây sẽ tận dụng cơ hội nền tảng truyền thông miễn phí như Facebook, YouTube, Amazon, Google... Cách thức truyền thông linh hoạt, đúng đối tượng và theo thời gian thực sẽ là trọng tâm của truyền thông doanh nghiệp.
Trước xu thế truyền thông cá nhân đang phát triển như vũ bão sẽ là chất xúc tác, đồng thời cũng là áp lực buộc các kênh truyền thông doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải động não để phát triển và cạnh tranh với nhau. Trên nền tảng công nghệ sẽ tác động trực tiếp vào qui trình sản xuất, đồng thời thiết lập nên những kênh phân phối mới để đưa sản phẩm truyền thông đến với khách hàng mục tiêu. Công nghệ cũng sẽ là trợ thủ đắc lực giúp cho việc đánh giá đo lường nội dung càng ngày càng phổ biến.
Các công ty quảng cáo sẽ dần biến mất, nhưng các freelancer làm trong ngành sáng tạo thì vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển: Công nghiệp nội dung, ứng dụng công nghệ mới trong sáng tạo, ý tưởng sáng tạo cho sản phẩm, cho trải nghiệm khách hàng...