SEVILLA - Chuyến Hải Trình Cuối Cùng.
Từ Granada đi thêm 300km là đến Sevilla thủ phủ vùng Andalusia, thành phố này được xem như ngôi sao sáng phía Nam của bán đảo Iberia.
Cũng cổ kín, xinh đẹp nhưng hơn hẳn các thành phố khác như: Granada, Valencia, Sevilla chính là hiện thân rực rỡ của thời đại vàng son khi Tây Ban Nha chinh phục Tân Thế Giới. Sevilla vốn như một cô gái đã rất xinh đẹp lại được khoác trên mình thêm bao nhiêu lụa là và châu báu nên vẻ đẹp ấy càng thêm kiêu sa và lộng lẫy. Thật vậy, có lẽ bao nhiêu sự hào nhoáng, giàu sang nhất của vùng đất phương Nam bán đảo Iberia này đều dành trọn cho Sevilla. Chính đều này đã làm cho bao du khách ngạc nhiên khi ghé thăm và lưu luyến khi phải rời xa.
Ngay khu trung tâm cổ của Sevilla từng dòng người như trẩy hội xếp hàng dài ngay bên ngoài bức tường thành cổ đồ sộ có từ thế kỷ 12 để vào tham quan lâu đài Alcazar. Sự pha trộn tinh tế giữa kiến trúc Hồi giáo và lối kiến trúc Phục Hưng đã mang lại nét dị biệt khác thường cho công trình vốn đã quá nổi tiếng này.
Và cạnh lâu đài Alcazar có lẽ là công trình kiến trúc ấn tượng nhất của cả thành phố: nhà Thờ Chính Toà Sevilla - một công trình bằng đá khổng lồ. Đứng thứ 3 thế giới chỉ sau thánh đường Saint Peter tại Vatican, thánh đường Saint Paul tại London và đây là thánh đường phong cách Gotic lớn nhất thế giới. Từ xa toà thánh đường lừng lững như một ngọn núi giữa thành phố, nó án ngữ hết 4 mặt của khu quảng trường trung tâm rộng lớn.
May mắn chỉ mất 30 phút xếp hàng để mua vé tôi đã đặt chân được vào nơi này. Bên trong thánh đường sáng rực bởi các gian điện thờ với bệ bằng vàng ròng và bạc khối lấp lánh, với vô số tranh tượng vô cùng tinh xảo và sang trọng. Nhưng sự rực rỡ ấy vốn chỉ làm nổi bậc hơn cho một báu vật quý giá khác trong thánh đường và chính nó đã làm danh tiếng toà thánh đường này vang xa. Đó chính là khu mộ của Columbus nằm ngay cánh phải toà thánh đường.
Cuộc đời Columbus như một hải trình đầy gian truân và thú vị, ngay khi đã chết thân xác ông vẫn tiếp tục thực hiện những chuyến hải trình không kém phần hấp dẫn thậm chí đến ngày nay vẫn còn tạo nên nhiều tranh cãi thú vị.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử với 4 cuộc hải trình, ông mất và được an táng tại Valladolid - Tây Ban Nha vào năm 1506. Sau đó không lâu mộ ông được chuyển tới Saville theo mong muốn của người anh trai ông.
Năm 1542 một lần nữa ông được thực hiện chuyến hải trình quay lại Châu Mỹ khi mộ phần ông được chuyển đến Santo Domingo - thuộc địa Tây Ban Nha (là cộng hoà Dominica ngày nay) theo nguyện vọng lúc sinh thời của ông (cũng có thông tin là theo yêu cầu của người con trai ông lúc bấy giờ là toàn quyền Tây Ban Nha tại đấy).
Sau hơn 250 năm yên nghỉ nơi này, do những biến động chính trị năm 1795 mộ ông lại được dời về Havana - Cuba sau khi Tây Ban Nha mất quyền cai trị Dominica.
Và 100 năm sau vào năm 1895 một lần nữa chuyến hải trình cuối đưa ông về lại Tây Ban Nha và nơi an nghĩ sau cùng của ông là nhà thờ Chính toà Sevila.
Lúc này ông mới thật sự được yên nghĩ với mộ phần được tạo tác tuyệt đẹp. Một cổ quan tài bằng đá chứa phần hài cốt còn lại của ông được 4 vị vua đại diện cho bốn vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha lúc ông sinh thời là: Castille, Aragon, Navara và Leon khiêng trên vai.
Khu mộ không quá hoành tráng, không rực rỡ với vàng bạc châu báu nhưng trang nghiêm vô cùng. Có lẽ tại Tây Ban Nha không một ai khác xứng đáng có được vinh dự như thế hơn ông.
Sự việc chưa dừng ở đấy vào năm 1877 tại ngôi thánh đường từng lưu giữ hài cốt ông tại Dominican trong quá trình sửa chữa người ta tìm thấy một hộp chứa hài cốt có ghi dòng chữ “The illustrious and excellent man, Don Colon, Admiral of the Ocean Sea” việc này đã gây nên sự tranh cãi kéo dài hàng trăm năm nhằm phân định hài cốt thực sự của ông đang ở nơi nào: Dominican hay Sevilla. Mặc dù năm 2003 chính quyền Sevilla đã cho xét nghiệm ADN phần hài cốt tại đây với kết quả đúng là ông.
Ông đã sống một cuộc đời xứng đáng, không hối tiếc và dù là người Ý nhưng khi còn sống và cả khi đã mất ông vẫn tiếp tục làm lợi cho Tây Ban Nha. Vì mộ phần ông trong thánh đường Sevilla là điểm tham quan có thu phí nhưng không thể bỏ qua khi đến Sevilla.
Thế giới mãi cám ơn ông, người Tây Ban Nha đã vinh danh ông nhưng họ vẫn nợ ông một xin lỗi, xin lỗi về lời hứa trả 10% lợi tuất có được từ các hải trình cho ông, vì cho đến khi ông mất nó vẫn mãi là lời hứa mà thôi. Có lẽ vì vậy gánh nặng mà bốn vị vua Tây Ban Nha khiêng trên vai sẽ mãi nặng hơn qua ngày tháng.
La Phi Long