Hàng năm việc chọn học ngành gì và câu hỏi ‘học cho ai?’ thường đem lại những thảo luận khó khăn nếu không nói là tranh cãi giữa cha mẹ và con cái cho những gia đình có con sắp tốt nghiệp trung học và chuẩn bị lên đại học. Vấn đề xảy ra khi có sự khác biệt giữa cha mẹ và con cái cho mong muốn trong tương lai của con trẻ. Cha mẹ mong muốn con trẻ sau khi ra trường dễ tìm việc làm và có cuộc sống ổn định trong khi đó con trẻ đặt nặng vấn đề sở thích/đam mê với nghành nghề. Nếu ta vẽ việc chọn ngành trên hai trục (ổn định và đam mê) thì sẽ nhận ra nếu chọn ngành vừa (ổn định và đam mê) thì không có gì tranh cãi. Ngành (ổn định nhưng không có đam mê) hoặc ngành (không ổn định nhưng đam mê) mới gây nhiều tranh cãi.
Đối với cha mẹ, đa phần là thế hệ 6x và 7x lớn lên trong thời kỳ đói khổ với cơm độn khoai, thì việc đặt nặng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là điều dễ hiểu. Vì hoàn cảnh một số cha mẹ phải bỏ lỡ ước mơ để lo cho cuộc sống cơm áo gạo tiền và giờ đây con trẻ có thể là công cụ để hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ hay kỹ sư của mình. Cha mẹ vô tình đặt một áp lực rất lớn lên con trẻ ‘Cha mẹ đã phải hy sinh ước mơ của mình vì con. Do đó cha mẹ muốn con trở thành XXX!’ Áp lực này có thể đưa đến nhiều hệ lụy không thể ngờ trước được. Câu chuyện một đứa con trai bóp cổ mẹ mình đến chết và bị tội ngộ sát ở tiểu bang California cách đây hơn mười năm làm chấn động xã hội Mỹ khi người mẹ làm áp lực để con học bác sĩ. Một số khác thì cho rằng con trẻ không đủ kiến thức để hiểu biết cơ hội việc làm của thị trường lao động nên cần tuân theo quyết định của mình. Tuy nhiên kiến thức của cha mẹ chỉ giới hạn quanh công việc của mình còn những ngành nghề không mấy liên quan thì không biết nhiều nhưng do điểm mù tư duy họ vẫn cho là ‘biết cả’. Thêm nữa nhiều cha mẹ cho rằng kiến thức và sự hiểu biết của mình vẫn còn đúng cho dù chưa kiểm nghiệm lại với những thay đổi trong thị trường lao động gần đây và liệu rằng sẽ còn đúng khi con tốt nghiệp. Covid-19 là một điển hình cho chúng ta thấy tương lai rất khó đoán.
Với con trẻ, nếu được học và làm nghề mà mình đam mê thì không gì tuyệt vời hơn. Nếu phải làm nghề mà mình không thích thì cuộc sống không gì tồi tệ hơn. Thời nay khác với thời cha mẹ không còn ăn để mà sống nữa. Nếu ngày nào cũng phải ăn món mà mình không thích ăn thì thật sự đó là một cực hình. Tuy nhiên làm sao biết ngành nghề ấy là đam mê của mình khi đam mê thường chỉ khám phá ra khi bạn đã giỏi về nó. Phải chăng nó thu hút vì vẽ ngoài bóng nhoáng của nghề đó hay do bạn bè thuyết phục ‘học chung cho vui’. Thế ngành nghề đó có phù hợp với tính cách và khả năng của mình không? Trong thời gian học trung học bạn có cơ hội khám phá mình là ai chưa, điều mình thích và quan trọng hơn điều mình không thích, giá trị cốt lõi của mình là những gì. Nhiều cha mẹ vì quá thương con, không muốn con cực nhọc và lo lắng nên đã ‘lo cả’ và như thế đã đánh mất cơ hội cho con khám phá chính mình và để rồi khi ra trường THPT con trẻ trở nên thụ động không biết mình muốn gì phải trông cậy vào cha mẹ. Biết đâu đây chính là điều mà nhiều cha mẹ mong muốn.
Thật tế tôi có người bạn chia sẻ là đã cố tình thi rớt để không phải học ngành cha mẹ muốn! Tôi cũng biết người học xong để có tấm bằng cho cha mẹ (như trả nợ quỷ thần) rồi bỏ để học lại ngành mình muốn hoặc có việc làm không liên quan gì đến ngành mình học. Cũng có bạn học được vài năm rồi bỏ để học lại ngành khác từ đầu. Đây là một lãng phí về mọi mặt cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Thế làm sao để có thể giảm bớt những lãng phí này?
Về phía cha mẹ, dạy con là một kỹ năng cần phải học hỏi chứ không phải bản năng. Với Má tôi, cho dù tôi bao nhiêu tuổi cũng là một đứa con nít. Và khi tôi nhìn Takara dù nó đã ra trường đại học nhưng vẫn thấy nó như đứa bé ngày nào còn chờ cha ẵm. Nhưng nhờ vào kỹ năng dạy con mà tôi có chia sẻ trong sách ‘Cha Voi’ tôi đã tập cho con có tính tự lập và tự quyết từ nhỏ. Một khi con trẻ tự quyết ‘Học cho chính con thì để con quyết định’ thì sẽ có trách nhiệm với quyết định của mình và khi gặp khó khăn sẽ tự cố gắng vượt qua chứ không bỏ cuộc sớm. Tôi nghĩ cha mẹ hãy cho con mình cơ hội té ngã và tự đứng dậy trên hai chân của mình vì một ngày nào đó cha mẹ sẽ không còn sống để đỡ cho con mỗi khi chúng ngã.
Về phía bạn trẻ, khám phá bản thân đòi hỏi sự can đảm vượt qua nỗi sợ hãi để thử những điều mới lạ, để biết mình thích gì, tính cách và giá trị con người của mình. Làm sao bạn biết mình không thích khi chưa thử? Làm sao biết mình không có khả năng khi chưa cố gắng hết sức mình? Làm sao biết giá trị không đánh đổi của mình là gì khi không phải đứng trước tình thế khó xử? Bạn chỉ khám phá ra được đam mê của mình khi đã thử đủ, cố gắng làm cho giỏi đủ, và nếm đủ thất bại! Làm chủ bản thân đòi hỏi bạn vượt qua những lo sợ này để có bản lĩnh đối diện với những thử thách trong cuộc sống. Không có ngành nào dễ làm giàu, nhàn hạ và dễ học cả! Nếu có thì người khác đã chiếm lấy hết rồi không có tới bạn đâu!
Về phía xã hội, các trường đại học cho phép sinh viên chọn sai ngành mà không phải trả cái giá quá đắt khi sửa sai. Hiện tại nhiều trường đại học ở Việt Nam cho chuyển ngành nhưng quy trình xin chuyển ngành còn rất nhiều nhiêu kê nếu không nói là hầu như không làm được. Ở Bắc Mỹ (Canada và Mỹ) cũng như nhiều nước khác sinh viên không phải quyết định chọn ngành đến cuối năm nhất đại học. Với chương trình đào tạo như thế tạo cơ hội cho sinh viên tự tìm hiểu ngành nghề khi vào đại học chứ không gây áp lực cho gia đình và các em học sinh trung học phổ thông khi chưa có nhiều thông tin.
Trương Nguyện Thành