Từng có dịp tham gia lễ hội đường phố rộn ràng trên Đại lộ số 5 tại New York, từng thấy cả dòng sông được nhuộm Xanh tại Chicago nhân ngày Lễ Thánh Patrick 17/03, và cũng từng thắc mắc điều gì làm cho văn hoá Ireland một đảo quốc nhỏ chỉ tầm hơn 70.000 cây số vuông với dân số càng khiêm tốn chỉ nhỉnh hơn 5 triệu người một chút, nằm ngay góc khuất tại tít rìa phía Tây Bắc của Châu âu lại trở nên phổ biến tại Mỹ đến vậy.
Nhưng khi có dịp làm một chuyến đến Dublin thì thiệt là dễ dàng tìm ra không chỉ một mà là vô số câu trả lời:
Nào là do tính cách mạnh mẽ của người Ireland, là do truyền thống văn hoá lâu đời, do sự quyến rũ của Irish Pub với những vại bia đen Guinness lừng danh và hơn hết là do Ireland có Thánh Patrick và Cỏ Ba Lá.
Vùng đất này xanh ngắt theo cả nghĩa đen và bóng, từ trên máy bay bên dưới những áng mây ẩn hiện là những cánh đồng xanh ngút ngàn, có lẽ tại Ireland nếu được hỏi màu gì là màu yêu thích nhất của họ thì câu trả lời chỉ một mà thôi: màu Xanh, màu của Thánh Patrick (vị thánh bảo trợ chính của người Ireland) để lại cho dân Ireland khi ngài dùng nhánh Cỏ Ba Lá (shamrock) làm hình tượng rao giảng về thuyết Chúa Ba Ngôi khi truyền giáo tại đảo quốc này vào thế kỷ thứ 5.
Vị Thánh khai hoá tôn giáo cho dân Ireland cùng màu Xanh của Cỏ Ba Lá đã được người dân tại đây tôn sùng và yêu mến suốt hơn 1500 năm qua.
Trải qua thăng trầm lịch sử, dòng người Ireland nghèo khổ từ thế kỷ 15, 16 đã phải tha hương di cư khắp nơi tránh cái đói nghèo, sự ngược đãi bất công tại quê nhà bởi do người Anh dồn ép. Họ đánh cược số phận của mình theo từng con sóng, bấp bênh trên những con thuyền gỗ vượt biển tìm tới những vùng đất lạ bên kia bờ Đại Tây Dương cùng mong ước đổi đời. Trong hành trang nghèo khồ mang theo ngoài sự khắc khoải của kẻ tha hương còn có màu Xanh bất diệt của Thánh Patrick, màu của hy vọng và an lành.
Với tín ngưỡng sâu đậm, sự cần cù sẳn có, từ những di dân nghèo khổ họ trở thành một cộng đồng có tiếng nói trọng lượng tại những vùng đất mới như Úc, New Zealand và đặc biệt là tại Mỹ.
Vào năm 1952 văn hoá Ireland đã xâm nhập vào được Nhà Trắng khi lễ trao tặng Cỏ Ba Lá cho Tổng thống Mỹ do đại sứ Ireland được diễn ra tại Nhà Trắng, và kể từ đó phong tục này đã trở thành một truyền thống kéo dài hơn 60 năm qua mà không hề gián đoạn. Và ngày Thánh Patrick 17/03 hằng năm đã trở thành một ngày lễ lớn tại Mỹ với lễ diễu hành long trọng tổ chức tại các thành phố lớn. Đây chính là sự ghi nhận những đóng góp phi thường của cộng đồng Ireland bởi chính quyền Mỹ. Thủ tướng Ireland là nguyên thủ quốc gia duy nhất trên thế giới có lịch gặp mặt và giao lưu hằng năm cùng TT Mỹ, ngay cả đài phun nước trong Nhà Trắng thậm chí cũng được nhuộm Xanh vào dịp gặp mặt này.
Thập niên 60 người Ireland còn tự hào giới thiệu người đồng hương nổi tiếng nhất của họ tại Mỹ cho cả thế giới biết đó là chính là cố TT Kenedy - TT Mỹ công giáo gốc Ireland đầu tiên tại vị trong lịch sử Nhà Trắng.
Dân số Ireland hiện nay cũng thuộc diện Xanh nhất Châu âu với tỷ lệ gần 40% có độ tuổi dưới 30, đây chính là thế mạnh nổi bật kết hợp cùng với các yếu tố khác là đội ngũ lao động tay nghề cao với tiếng Anh thuần thục. Và điểm mấu chốt là thuế doanh nghiệp tại đây chỉ 12.5% nên gần như các tập đoàn công nghệ, tài chính, dược phẩm nổi tiếng trên thế giới đều có mặt tại Ireland. Nên chẳng trách Ireland lọt vào top 15 quốc gia đáng sống nhất trên thế giới với thu nhập đầu người lên đến 73.200$/năm (CIA book 2017).
Dublin chiều cuối Thu khá lạnh tầm 4 độ C, kể cả người dân bản địa cũng ngại bước ra đường vào lúc này. Từ công viên Stephan Green lội bộ qua khu phố Grafton nơi được xem là phố mua sắm hàng hiệu của Dublin, các cửa hiệu tràn ngập không khí Noel với đủ sắc màu cùng cây thông và đèn trang trí nhấp nháy khắp nơi. Hoàn thuế cũng là điều hấp dẫn cho du khách khi mua sắm tại Ireland vì càng mua nhiều % tiền hoàn thuế lại được cao hơn từ 12 - 17% và đặt biệt những hoá đơn tầm 60-70€ cũng được hoàn thuế vì không giới hạn số tiền mua phải trên 150€ hay 175€ như một số nước Tây âu khác.
Bước thêm vài con phố ngắn nữa là đến khu Temple Bar của Dublin nằm bên bờ sông Liffey nơi nổi tiếng với những con phố lát đá cũ kỹ cùng vô số quán bar mang phong cách Irish đặc trưng, tối cuối tuần không khí các quán này nhộn nhịp khác hẳn cái lạnh lẽo vắng lặng bên ngoài.
Các Irish Pub này thường chia ra khu quầy bar bên dưới tầng trệt với sàn, kệ bằng gỗ cũ kĩ và không thể thiếu một dãy các vòi bia tươi sủi bọt, sau 8h tối nơi này luôn nhộn nhịp các nhóm du khách và người bản địa kê cà tán gẫu bên những pint bia Guiness đen nhánh làm từ loại lúa mạch rang đặc biệt.
Không gian trên lầu vắng lặng hơn tý dành cho những thực khách muốn khám phá ẩm thực Ireland. Có lẽ nếm thử món Bò Hầm kiểu Ireland là lựa chọn không tồi trong ngày đầu đặt chân đến Dublin. Mọi người gần như nín thở với một suất ăn tối đầy đủ dành cho 1 người Ireland: khai vị là súp rau củ, phần ăn chính gồm: 1 đĩa bò hầm khoai tây & cà rốt ăn kèm 2 lát bánh mì đen, 1 ổ bánh mì nướng nhỏ, tráng miệng là 1 đĩa bánh Muffin kèm kem ngon tuyệt, tất nhiên không thể thiếu một cốc bia đen Guiness với vị ngọt nhưng dư âm đăng đắng mùi khét của cà phê rang hơi quá lữa.
Dù bận rộn thế nào cuối ngày người Ireland cũng cố gắng tự thưởng cho mình vài pint bia trước khi kết thúc một ngày làm việc. Vào mùa Hè, các ngày cuối tuần việc tìm một chổ ngồi trong khu Temple Bar là cả một vấn đề, du khách sẽ ngạc nhiên khi nhìn dân địa phương tay cầm bia đứng bên ngoài quán lắc lư theo điệu nhạc, dường như họ không hề muốn bỏ sót một giây nào để tận hưởng cuộc sống.
Người Ireland có một triết lí ăn nhậu cực dễ thương là “Đã uống thì phải say, say thì ngủ, mà ngủ thì chằng bao giờ làm chuyện xấu, vì thế sẽ được lên thiên đàng”. Đã đến với Dublin nơi được mệnh danh là thủ đô của Irish Pub thì không thể nào mà ra về nếu chưa lang thang khu Temple Bar về đêm, thưởng thức một ly Guinness sủi bọt mát lạnh cho bỏ công bay gần 18 tiếng để sang vùng đất Xanh hạnh phúc này.
Dublin - CH Ireland
La Phi Long