Ngay sau khi rời báo Người Lao động lẽ ra tôi có cơ hội về công tác tại báo Tuổi Trẻ - một tờ báo khi còn sinh viên tôi luôn mơ ước trở thành phóng viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Tôi còn nhớ, lúc ấy, phòng tổ chức đã hoàn tất hồ sơ, chị Phạm Oanh, giới thiệu cho tôi sang gặp ban biên tập gồm anh Sơn Phước, anh Bùi Thanh và chị Thu An - những nhà báo tôi rất ngưỡng mộ trong làng báo. Trong buổi gặp, các anh/chị cũng hỏi về công việc của tôi ở tờ báo Người Lao Động, lĩnh vực tôi yêu thích, rồi nguyện vọng khi về báo Tuổi Trẻ…Tôi cũng chỉ trình bày một nguyện vọng nho nhỏ là mong muốn tiếp tục được đi và được viết cho thoả đam mê. Tuy nhiên, không hiểu sao lúc đó, các anh Phước bảo thời gian đầu “nhốt” tôi vào phòng biên tập kỹ thuật một thời gian rồi mới cho ra làm phóng viên! Với hy vọng sau thời gian bị “tạm giam” sẽ có cơ hội được trở lại công việc phóng viên nên tôi chấp nhận công việc nói cho sang là biên tập kỹ thuật, chứ thực tế là đọc lỗi chính tả! Chưa qua được 3 tuần ngồi chôn chân một chỗ trong 4 bức tường, mỗi ngày bắt đầu khoảng 14h cho đến tận 12h đêm chỉ làm một công việc nhàm chán là đọc lỗi chính tả cho đến khi đóng trang chuyển file sang nhà in mới lao ra đường về nhà khi mọi người đã ngon giấc. Cuối cùng tôi chủ động xin không tiếp tục công việc này nữa và về đầu quân cho báo Công An để được bay nhảy bên ngoài.
Tuy nhiên khi về báo Công An thì vướng phải cái rào cản về lý lịch 3 đời 4 bên không thể phát triển nghề nghiệp tại đây, tôi mới có cơ hội về đài truyền hình Việt Nam tại TP.HCM qua lời giới thiệu của một người cô – một nhà báo vừa là một nhà văn nổi tiếng. Thời điểm đó, đài vừa xây dựng chương trình mới "Những ước mơ xanh”, tôi cùng một người bạn được giới thiệu vào tập sự ở chuyên trình này. Tôi còn nhớ, nhân vật đầu tiên chúng tôi chọn thực hiện là một anh tên Sơn giám đốc trung tâm hỗ trợ người khuyết tật thành phố. Đề tài đăng ký được duyệt, tôi mới làm tư liệu về nhân vật, vừa hẹn gặp, chưa kịp lên kịch bản ghi hình thì cũng là lúc nhận được thông tin từ ban giám đốc chi nhánh là trường hợp của tôi không thể vào làm chính thức tại đài được, chỉ có thể làm cộng tác viên vì lý do: không có hộ khẩu thành phố và nói giọng Quảng Nam không thể lên sóng!
Khi giấc mơ làm báo hình không thành hiện thực, tôi trở về công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng sau khi vượt qua khoá tuyển dụng rất khắt nghiệt của báo. Công tác tại đây gần 2 năm, tôi nhận thấy mình không phù hợp với một một tờ báo còn nặng tính chính trị! Còn đang trong quá trình gọi là vừa làm vừa đào tạo, tôi quyết định bỏ ngang khi chưa kịp trải qua tất cả các lĩnh vực để xem thế mạnh của một phóng viên tập sự trước khi phân công chính thức về các ban của toà soạn. Mặc dù, thời gian học việc tại đây không dài nhưng tôi cũng trải nghiệm, cảm nhận và rèn luyện được khả năng chịu đựng để làm những công việc được xem là bị làm hơn là cảm giác được làm.
Cảm ơn cái rào cản lý lịch và hộ khẩu đã cho tôi được thoả đam mê bay bổng với những dự án yêu thích tại các tờ báo do chính mình khơi nguồn sáng lập.