Trước khi lập cái gọi là "khu phố đèn đỏ" như một số nước thì Việt Nam nên thí điểm lập “khu phố đèn vàng” tập trung những loại hình kinh doanh được cho là nhạy cảm để có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lây lan ra cộng đồng, đảm bảo sức khỏe, an ninh trật tự cho người vào vui chơi giải trí.
Đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy kiểu cái gì khó, không quản lý được là cấm, bởi như thế không bao giờ cấm được. Càng cấm càng kích thích phát triển, biến tướng nguy hại. Trước một đề xuất, cần phải tiếp thu, cần thống nhất quan điểm, còn cách làm, địa điểm, thời gian và qui mô tổ chức sẽ được làm từng bước, thận trọng. Không nên áp đặt chủ quan, càng không thể nâng quan điểm kiểu chụp mũ. Không thể khăng khăng phản đối theo cảm tính một ý tưởng, một đề xuất khi chưa có luận chứng khoa học.
Đề xuất thí điểm lập khu kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm, trước hết để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Sau đó là dễ bề quản lý và đảm bảo công bằng việc nộp thuế. Lâu nay, dù cấm nhưng các tệ nạn vẫn sinh sôi, phức tạp; vừa không thể quản lý, vừa thất thu thuế. Cấp quản lý thì điên đầu, lâu lâu tổ chức truy quét và đột kích nhưng cứ như “bắt cóc bỏ dĩa”. Người tham gia các dịch vụ này thì thấp thỏm, bị chèn ép, bóc lột và cả truy bức nhưng không ai bảo vệ. Do phải lén lút, ngụy trang nên dẫn đến bảo kê, hối lộ. Thua thiệt là người lao động và cả nhà nước. Chưa kể những hệ lụy khôn lường về mặt xã hội.
Đây là cách nhìn mới, tiếp cận vấn đề gai góc, thể hiện tính đột phá, mang ý nghĩa nhân văn, cần được trân trọng. Vì quá mới, nên cho phép một số tỉnh, thành phố trọng điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm làm thí điểm, thậm chí TP. HCM sẽ tiên phong. Từ thực tiễn, sẽ có cơ chế chính sách đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ và giải quyết các vấn đề về quyền lợi của người lao động.
Hoạt động kinh doanh nhạy cảm, mại dâm hiện ở đâu cũng có và xu hướng ngày càng tăng. Đề xuất gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" của đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM cần xác định rõ mục đích - hạn chế các tệ nạn xã hội, bảo vệ phụ nữ, bảo vệ thuần phong mỹ tục.
Viện Nam không thừa nhận ngành nghề mại dâm, nhưng một khi đã tồn tại thì cần có những giải pháp. Các cơ quan quản lý phải nghiên cứu rất kỹ để tìm giải pháp với mục đích là giảm thiểu được tệ nạn xã hội. Nếu không, người ta vẫn “đứng” ở gốc cây, góc phố hành nghề mà chúng ta không thể có lực lượng mà xử lý hết được, như thế rõ ràng có tác hại hơn.
Việt Nam không thể bắt chước mô hình hoạt động của khu đèn đỏ lớn và nổi tiếng nhất thế giới ở Amsterdam Hà Lan. Cũng không thể xem mại dâm là ngành công nghiệp béo bở, có chứng chỉ hành nghề như các khu phố đèn đỏ nổi tiếng: Pattaya, Soi Cowboy và Nana Plaza,…của Thái Lan. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, chúng ta có thể tham khảo vận dụng kinh nghiệm của mô hình quản lý các dịch vụ mà Việt Nam gọi là “nhạy cảm tại đảo quốc Sư Tử. Những người hành nghề vẫn tiếp tục bị bắt nạt, bị ức hiếp trong khi sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng.
Việt Nam phải học tập kinh nghiệm của các nước và áp dụng các hình thức nhất định chứ không thể duy trình tình trạng "không muốn công nhận nhưng lại lan tràn khắp nơi và không ngăn chặn được".