Covid-19 xuất hiện làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống và cũng ngộ ra nhiều điều suy ngẫm. Cuộc sống xoay vòng hối hả lướt qua từng ngày bổng nhiên khựng lại và dần dần chuyển sang chế độ “lockdown” hay “stay at home” nói nôm na là hạn chế ra ngoài. Cảm giác từ bình tĩnh quan sát theo dõi, đến lo lắng, thậm chí hoang mang lo sợ… rồi điều chỉnh, thích nghi và thay đổi thói quen để vượt qua!
Ban đầu là chuyện học của con cái. Học hay dừng? Dừng hay học? Khi nào đi học trở lại? Nghỉ ngắn ngày nếu con lớn thì còn xoay sở cậy nhờ người thân vài hôm thậm chí cả tuần. Nghỉ dài ngày mà con nhỏ thì hết cách, buộc phải sắp xếp lại công việc, vợ hoặc chồng ai phải hy sinh ở nhà, hay phải đưa trẻ về quê ...
Trong thời gian trú dịch, phụ huynh cũng đừng quá lo lắng. Hãy để cho con tự phát huy những gì con thích để "kích hoạt" năng khiếu của con mà lâu nay phụ huynh chưa nhận ra. Rồi đâu cũng sẽ vào đấy thôi. Học là chuyện cả đời chứ đâu phải vài tuần vài tháng thậm chí cả năm… Nghỉ ngắn hay dài giờ tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh...
Chuyện trẻ nhỏ chưa xong thì đến chuyện người lớn. Khi diễn biến dịch ngày một khó lường, bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Công ty, nhà máy bắt đầu đình trệ, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, sản xuất, rà soát lại nhân sự, từ việc giảm giờ làm, rồi làm việc từ xa…rồi chậm lương, nợ lương, rồi nguy cơ thất nghiệp đang hiện hữu!
Khi dịch bùng phát thì nỗi lo chuyện học, lo công việc tất yếu phải xếp sau nỗi lo bị dịch! Lúc này, sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng là trên hết. Cộng đồng căng sức phòng chống dịch, mỗi người dân ngoài tuân thủ các chỉ dẫn của cơ quan chức năng, thì cần phải ý thức trách nhiệm “khoảng cách xã hội” để cùng chung tay chống dịch.
Mọi thói quen hằng ngày phải lùi lại phía sau. Sáng không còn la cà ngồi café vỉa hè với đồng nghiệp. Chiều không được hàn huyên bia bọt cùng chiến hữu. Mọi người giao tiếp quen dần với chiếc khẩu trang khi đi ra ngoài.
Công sở thời covid cũng thích ứng theo, giảm tiếp xúc tương tác face to face. Công việc thao tác trên nền tảng online nhiều hơn, xử lý qua điện thoại, qua mail hoặc các app riêng cho từng đặc thù công việc. Các cuộc họp tụ tập đông người giờ thay bằng những cuộc họp online. Sau giờ làm, mọi người vội vã trở về với gia đình, không còn lý do chính đáng nào để la cà bia bọt, hát hò với bạn bè hay đối tác!
Sài Gòn mệnh danh thành phố không ngủ giờ đã khác. Đường phố thông thoáng. Phố xá hàng quán vắng lạ thường. Thói quen tiêu dùng cũng thích ứng theo, mua sắm offline chuyển dần sang mua sắm online. Không tụ tập ăn uống nơi hàng quán thay bằng take way. Các buổi tiệc tùng sinh nhật hoan hỷ ồn ào giờ lùi vào không gian ấm áp gia đình.
Thưởng thức "món ăn" tinh thần cũng thay đổi theo. Không gian giải trí gia đình trở thành tụ điểm của các thành viên cùng nhau chia sẻ sở thích nghe nhạc, xem phim, đọc sách…Không gian nhỏ hẹp tại nhà giờ đây được tận dụng hết công suất cho các sở thích cá nhân như: chạy bộ, tập gym, yoga…giúp rèn luyện sức khoẻ trong mùa trú dịch.
Khu phố bạn ở dường như mọi người cũng sống khép kín hơn xưa. Mọi người ít giao lưu hơn. Quán café cóc đầu hẻm mọi ngày cuối tuần là nơi tụ tập "giao ban" khu phố giờ không một bóng người. Khi các hoạt động tụ tập đông người bị hạn chế thì thói quen tiêu dùng cũng thay đổi theo. Mỗi sáng phụ nữ trong khu phố thường đi phiên chợ sớm thì giờ chuyển sang mua sắm online.
Các bữa ăn sáng trước đây thường ở hàng quán đầu hẻm thì giờ là những buổi sáng ấm áp đầy đủ các thành viên trong gia đình. Trước đây, con ăn ở trường, vợ chồng mỗi người một nơi thì nay cùng xoắn tay nhau tổ chức một bữa ăn gia đình. Thói quen ăn uống thời covid cũng Tây hơn. Các món ăn và đồ chấm được tôn trọng sở thích cá nhân hơn. Mân cơm gia đình đông vui đầy ắp tiếng cười hơn xưa.
Thời điểm nhạy cảm này, khi hầu hết các sự kiện văn hoá giải trí, thể thao, du lịch…đều bị trì hoãn, mở tivi, mở điện thoại lướt báo, dạo facebook, hầu như kênh nào cũng ngập tràn thông tin và hình ảnh về đại dịch Covid-19.
Chính vì thế đứng trước bệnh dịch bây giờ, chúng ta hãy giữ thái độ bình tĩnh, tinh thần lạc quan, nâng cao sức đề kháng, tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức trách, giữa khoảng cách xã hội là góp phần chung tay cùng cộng động trong cuộc chiến phòng chống dịch.
Phạm Sông Thu - Sài Gòn 29/3/2020