Nội dung quảng cáo nước tăng lực Hổ Vằn với thông điệp "uống đi cho khỏe" vẫn phát trên sóng truyền hình nhưng đã kịp thời sửa sai! Họ cho ra mắt một đoạn quảng cáo mới có điều chỉnh câu thoại được cắt gọn ở điểm dừng lên nóc nhà (thay vì lên giường)!
Câu chuyện bắt đầu trên bàn ăn tối, khi cả nhà vừa ăn cơm vừa xem thời sự thì đoạn phim quảng cáo xuất hiện. Hình ảnh người chồng chăm chỉ làm việc, từ lên núi làm rẫy đến leo thang sửa nóc nhà. Một người vợ đảm đang luôn hỏi han và chăm sóc sức khỏe cho chồng...Chuyện chẳng có gì nếu đoạn quảng cáo không kết thúc bằng việc người chồng muốn lên giường ngủ, người vợ cầm lon nước tăng lực lên và mỉm cười đầy ẩn ý: “Mình uống đi cho khỏe”.
Nhiều người xem bày tỏ thái độ bức xúc trước cách quảng cáo phản cảm của nhãn hàng này. Họ cho rằng đây là quảng cáo thô tục, khơi chuyện phòng the nhằm kích thích sự tò mò của đối tượng tiếp nhận thông điệp.
Ngay từ khi đoạn phim quảng cáo xuất hiện trên sóng truyền hình đã nhận rất nhiều phản ứng, phần lớn cho rằng nội thông điệp dung tục. Nội dung quảng cáo vô duyên và thiếu sự tôn trọng khán giả!
Quảng cáo có nội dung gây tranh cãi đã không còn quá xa lạ đối với khán giả Việt, với những “nạn nhân" từng ném trải "quả đắng" phải kể đến như bột giặt Aba, sữa bột Anlene, Hạt nêm Knorr, Mì Gấu đỏ, Mì Tiến Vua, TH True Milk hay Viet Jet...
Gần đây nhất, khi tung ra thị trường dòng sản phẩm mới với tên gọi nước tăng lực Compact vị cherry với clip quảng cáo chứa câu thoại gây tranh cãi không kém “Ngon vãi là có thật”.
Tại thời điểm đó phản ứng Compact thậm chí còn dữ dội hơn Hổ Vằn, đến mức kênh youtube của công ty phải khóa chức năng bình luận ở tất cả các video quảng cáo của sản phẩm.
Một điểm chung trong quảng cáo của hai sản phẩm Compact và Hổ Vằn là đều phát vào khung giờ vàng – khung giờ dành cho gia đình và những câu thoại rất dễ bị chế nhại, suy diễn theo hướng tiêu cực.
Khách hàng mục tiêu mà thông điệp ngắm đến là trẻ em! Có thể dễ dàng nhận thấy trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động nhiều nhất. Người lớn hiển nhiên sẽ không hứng thú với những câu thoại sáo rộng như vậy.
Các "phù thủy" marketing phải chăng đang sáng tạo thông điệp hướng đến một đối tượng hoàn toàn mới là trẻ em, thay vì chiến đấu với những thông điệp của các đối thủ Sting, Rồng Đỏ vốn được “ấn định” là thức uống dành cho game thủ, công nhân xây dựng...!
Giả thuyết này hoàn toàn có thể xảy ra, khi có một chi tiết nhỏ người xem có thể lưu tâm là dù anh chồng có nói giọng lớ ngớ như thế nào, thì chị vợ sẽ luôn nói tròn vành, rõ chữ, để đảm bảo ai cũng có thể nói theo được.
Nội dung quảng cáo nước tăng lực Hổ Vằn với thông điệp "uống đi cho khỏe" vẫn phát liên tục trên sóng truyền hình nhưng kịp thời sửa sai. Họ cho ra mắt một đoạn quảng cáo rút gọn còn 6 giây với câu thoại được cắt gọn ở điểm dừng lên nóc nhà ( thay vì lên giường)!
Kịch bản này cũng từng xảy ra trước đó đối với nước tăng lực Compact, công ty cũng khắc phục hậu qủa bằng cách cho ra mắt một đoạn quảng cáo rút gọn còn 6 giây với câu thoại được sửa thành “Ngon mãi là có thật”.
Các "phù thuỷ" sử dụng "chiêu trò" trong marketing -truyền thông có lẽ cũng nhận thức được điều này nhưng vẫn chấp nhận để đạt được mục tiêu bán hàng.
Tất nhiên, cho dù chiến lược xâm nhập thị trường của họ có là như thế nào, không thể phủ nhận nội dung quảng cáo của họ thực sự đang gặp phải tranh cãi lớn và tạo được tiếng vang.
Nội dung quảng cáo không có gì mới lạ, không có gì khác biệt nhưng mục đích đạt được là hiệu ứng lan toả mới chính là điều kỳ vọng của các đạo diễn sáng tạo thông điệp!
Thủ thuật và chiêu trò này đã xưa như quả đất nhưng thi thoảng vẫn "ăn may" do một tác nhân đến từ bên ngoài kích hoạt tạo sóng!