Thông tin lãnh đạo Công ty Bayer Việt Nam chia sẻ một tài liệu về bài học phòng chống Covid đến từ Trung Quốc có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" phản đối. Đây là một trong rất nhiều sự cố truyền thông xảy ra gần đây liên quan đến yếu tố địa chính trị khiến cho dư luận lên án đòi tẩy chay ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trước làn sóng phản ứng của dư luận, đại diện Bayer Việt Nam cho biết lấy làm tiếc về sự việc đã xảy ra từ một hình ảnh trong tài liệu nội bộ đã tạo nên sự chú ý của nhân viên và dư luận.Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Tổng Giám đốc của Bayer Việt Nam chỉ muốn chia sẻ những cái hay mà Trung Quốc đã áp dụng để phòng chống dịch. Đó là tài liệu của những người bạn, chuyên gia ở Trung Quốc, thấy hay nên bà đã lưu và muốn chia sẻ đến mọi người. Trong những tài liệu có sẵn, không may sơ suất để xuất hiện hình "đường lưỡi bò".
Theo vị đại diện này, hơn 25 năm hoạt động Việt Nam, công ty luôn tuân thủ các quy định và luật lệ của nước sở tại cũng như tôn trọng nhân viên, khách hàng của mình và cộng đồng nơi đang hoạt động. Có lẽ đây là sự cố đến từ một cá nhân người nước ngoài do vô tình hay cố ý để xảy ra. Việc chia sẻ các file tài liệu đến từ các quốc gia trên thế giới là việc mà lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia thường xuyên duy trì trong quá trình làm việc. Đây là tài liệu lưu hành nội bộ được chia sẻ giới hạn đến một nhóm nhỏ nhân viên trong công ty nhằm giới thiệu các ví dụ điển hình trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng y khoa trong khu vực châu Á. Nhưng đây là lần đầu tiên mà bà Lynette Moey Yu Lin chia sẻ một tệp tài liệu có chứa nội dung phi pháp như vậy.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tuyên truyền ra bên ngoài để tranh giành chủ quyền ở Biển Đông một cách phi pháp, thì hành vi này được cho là cố ý xúc phạm và mang động cơ chính trị. Sau khi sự cố xảy ra, bà Lynette đã bị phạt về việc sử dụng thư điện tử cá nhân để cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam. Bà Lynette đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật thu hồi thư điện tử nêu trên và tiến hành các bước cần thiết để tránh việc chuyển tiếp thông tin.
Sự cố “đường lưỡi bò” xuất hiện liên tục trên ấn phẩm truyền thông cũng như trên các bộ phim được công chiếu rộng rãi tại Việt Nam, dư luận càng trở nên bức xúc trước "hiện tượng" này. Bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" chiếu ở rạp CGV có "đường lưỡi bò" chưa lắng, dư luận lại tiếp tục lên án khi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cũng để xảy ra sự cố liên quan đến việc cuốn giáo trình của trường này có in hình “đường lưỡi bò” do Khoa tiếng Trung-Nhật của trường đưa vào giảng dạy từ đầu năm học 2019-2020 nhưng vẫn không phát hiện ra cho đến khi có khi sinh viên phản ánh.
Trước đó không lâu, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng đã sử dụng ấn phẩm quảng bá du lịch in hình “đường lưỡi bò”. Vụ việc này phía Saigontourist đã thanh minh là hành vi không cố ý, vì những tài liệu đó được công ty du lịch đối tác Trung Quốc cố tình đưa hình “đường lưỡi bò” vào tài liệu tuyên truyền quảng bá cho sản phẩm du lịch và phía Saigontourist đã sử dụng để giới thiệu cho du khách mà không kiểm soát nội dung. Từ sự cố này, Saigontourist đã ngưng hợp tác với đối tác Trung Quốc.
Mới đây, sự việc xe Zotye tại Việt Nam bị phát hiện sử dụng hình ảnh bản đồ có đường chín đoạn (đường lưỡi bò) trong hệ thống dẫn đường (Navigation) còn chưa lắng xuống, thì lại đến lượt nhà phân phối chính thức xe Volkswagen gặp trường hợp tương tự với chiếc Touareg trưng bày tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2019. Đáng lưu ý, mẫu xe này có bản đồ có chứa "đường lưỡi bò" tại triển lãm, trưng bày suốt gần 5 ngày cho hàng trăm khách hàng tham quan. Sự việc này được lan truyền trên mạng xã hội về mẫu xe của Đức tại triển lãm khiến nhiều người bức xúc trước quy trình kiểm tra xe của hãng và ban tổ chức chương trình
Không bàn đến động cơ cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” một cách công khai, phi pháp (nếu có) diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi phục vụ cho ý đồ chính trị để tạo ra những luồng “truyền thông bẩn”! Dưới góc nhìn thuần tuý về quản trị thương hiệu, tôi cho rằng những sự cố khủng hoảng truyền thông như trên thường xảy ra do nhãn quan phát hiện các vấn nhạy cảm liên quan đến yếu tố địa chính trị. Các vấn đề mà giới truyền thông thường gọi là vùng cấm (chị trị, tôn giáo, sắc tộc, chủ quyền…)
Các sự cố hình ảnh “đường lưỡi bò” liên tục xuất hiện gần đây tại Việt Nam cũng cho thấy sự bất cẩn trong các khâu “tiền kiểm, hậu xét” của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan cũng như sự thiếu hiểu biết của một số người do vô tình hay cố ý tiếp tay cho một đồ phi pháp. Những người quản trị thương hiệu còn bất cẩn, thiếu trách nhiệm, thiếu sự nhạy cảm chính trị thì sẽ còn xảy ra những vụ việc liên quan đến “đường lưỡi bò” phi pháp này.
Các sự cố trên cũng là bài học cho công tác quản trị thương hiệu đối với các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Nhập gia tuỳ tục, xuất giá tòng phu. Người đứng đầu tổ chức, lãnh đạo đối ngoại, lãnh đạo quản trị thương hiệu...cần phải tôn trọng nguyên tắt “quản trị toàn cầu, am hiểu văn hoá địa phương”. Các vấn đề về văn hoá địa phương, địa chính trị, tôn giáo, sắc tộc, chủ quyền…là những yếu tố “thiên liêng” luôn song hành cùng với quá trình hoạt động phát triển của tổ chức.
Nếu không am hiểu tường tận các vấn đề văn hoá địa phương, nếu không nhạy cảm các vấn đề về sắc tộc-tôn giáo, nếu không có nhãn quan các vấn đề địa chính trị…sẽ không chỉ khiến doanh nghiệp bị tổn thương về hình ảnh trương hiệu, thiệt hại về mặt tài chính, rắc rối về pháp lý, thậm chí phải ngưng hoạt động khi làn sóng chủ nghĩa dân tộc gây áp lực lên chính quyền nước sở tại…
P.S.T.