Ngày nay, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn minh, hiện đại, nhiều chợ truyền thống đã được quy hoạch cho phù hợp hơn với sự phát triển của đô thị là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc khoác áo mới cho những ngôi chợ truyền thống theo kiểu “hồn Trương Ba – Da hàng thịt” đã đặt ra bài toán về mô hình nào cho phù hợp với nhu cầu mua sắm của phần đông khách hàng chưa thoát ra khỏi văn hóa tiêu dùng tiểu nông.
Sự kiện hàng trăm hộ kinh doanh tại Chợ Đầm -Trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh Khánh Hòa đã đồng loạt bãi thị để bày tỏ sự không đồng tình với kế hoạch xây dựng mới ngôi chợ hơn 40 năm tuổi – một địa điểm du lịch nổi tiếng tại thành phố biển Nha Trang. Trước đó, hàng trăm tiểu thương chợ Tân Bình tại TP.HCM cũng đồng loạt bãi thị để phản đối chủ trương khoác áo mới cho ngôi chợ truyền thống nổi tiếng về sản phẩm ngành may mặc.
Chợ Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh (Nguồn: Internet)
Ở đây chúng ta không đi sâu phân tích việc nên hay không nên khoác áo mới cho những ngôi trợ truyền thống hiện nay. Điều người dân cũng như tiểu thương quan tâm là liệu khi được khoát áo mới nó có còn lưu giữ được “hồn vía” của một ngôi chợ truyền thống để thu hút khách hàng đến mua sắm không? Bởi ngoài là địa điểm giao thương, các ngôi chợ truyền thống còn là nơi giao lưu văn hóa, xã hội của người dân, nơi thể hiện bộ mặt và trình độ phát triển của các vùng miền trên cả nước. Chợ còn là nơi kết nối cộng đồng, nơi sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của người lao động. Chợ truyền thống còn là nơi buôn bán trao đổi những sản vật theo kiểu tự cung tự cấp mang đậm văn hóa nông nghiệp của người Việt. Chợ có thể nhóm họp dưới nhiều hình thức khác nhau, chợ hàng ngày, có thể họp theo phiên…tùy theo tập quán từng địa phương. Không những thế khi đất nước mở cửa hội nhập, chợ còn là địa chỉ đón cả khách thập phương tham quan, buôn bán và giao lưu văn hóa chứ không chỉ dành riêng cho người dân bản địa.
Sự phát triển của xã hội sẽ hình thành nên những mô hình, phương thức kinh doanh mới cho phù hợp và chúng ta không thể tách rời dòng chảy đấy. Chúng ta đang đón nhận xu hướng phát triển đô thị đã đưa những ngôi chợ truyền thống vượt ra khỏi chức năng đơn thuần là mua bán hàng hóa, mà dần dần thay vào đó những siêu thị hiện đại, những trung tâm mua sắm sang trọng được tích hợp các dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng. Không chỉ dừng lại ở đấy, chợ bây giờ còn xuất hiện cả trên…mạng!
Trung tâm thương mại SC VivoCity Shopping Center (Nguồn: Internet)
Cái mới phủ định cái cũ, cái lạc hậu là tất yếu, do đó, cũng như sự xuất hiện và cạnh tranh khốc liệt của siêu thị và trung tâm mua sắm đòi hỏi các ngôi chợ truyền thống ngày càng phải thay đổi nếu không muốn bị xóa sổ, biến mất. Tuy nhiên, dẫu biết công việc chính của các nhà làm quy hoạch là...quy hoạch nhưng thực tế cho thấy không phải cái gì cũng quy hoạch được, nhất là những ngôi chợ.
Thực tế cho thấy rất nhiều ngôi chợ quy hoạch đã sớm yểu mệnh hoặc đang hấp hối bởi nó chỉ có xác mà không hồn! Không khó để nhận thấy, tại Hà Nội, nhiều chợ truyền thống được nâng cấp, xây dựng rồi khoác trên mình tấm áo trung tâm thương mại, như: chợ tạm Ngã Tư Sở, chợ Bắc Thăng Long, Vân Ðình, Văn Quán, Thượng Ðình, Thanh Xuân Bắc... đều rơi vào cảnh đìu hiu. Ngược lại, các chợ cóc, chợ tạm vẫn mọc tràn lan, mua bán sôi động. Có những tuyến phố, con ngõ dài biến thành chợ như Ngõ Chợ Khâm Thiên; đường Định Công; hay phố Lương Ðịnh Của; Kim Ngưu…
Việc vội vàng xóa bỏ chợ truyền thống, thay bằng mô hình chợ hiện đại kết hợp với văn phòng cho thuê, chưa phù hợp với xu hướng mua sắm của người dân Việt Nam vốn quen với văn hóa tiêu dùng tiểu nông. Từ câu chuyện ở chợ Đầm đến chợ Tân Bình, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ nên cải tạo các chợ truyền thống đã có, còn xóa bỏ chợ truyền thống thay bằng mô hình trung tâm thương mại hiện đã cho thấy chủ trương này không phù hợp. Các trung tâm thương mại hay siêu thị có cần thiết phải mọc lên trên…đầu các ngôi chợ hay không? Việc duy lý dẹp bỏ các ngôi chợ cho thích hợp, cho khỏi lãng phí, cho đẹp đô thị... có phù hợp hay không là trách nhiệm của các nhà quy hoạch, quản lý – mà nếu làm không khéo, có khi lại là tác nhân phát sinh thêm các chợ cóc, chợ tự phát, chợ chạy, chợ tạm nhếch nhác mà chúng ta đã thấy ở rất nhiều lề đường, hè phố tại các đô thị lớn như hiện nay.
Việc thay đổi nhiều chợ truyền thống bằng những trung tâm thương mại, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Hàng trăm nghìn tiểu thương bị đẩy ra khỏi những khu chợ truyền thống, mất chỗ mưu sinh nên phải sống dựa vỉa hè. Tâm lý của những người buôn bán tại các chợ truyền thống bao giờ cũng muốn giữ lại cái cũ vì khi xây dựng cái mới thì họ lo ngại không biết công việc làm ăn, buôn bán của họ thế nào! Không biết trong thời gian tới số phận của những ngôi chợ truyền thống như: Chợ Tân Bình (TP.HCM), Chợ Đầm (Nha Trang), Chợ Cồn, chợ Hàn (Đà Nẵng) và nhiều chợ khác trên đất nước hình chữ S này có phải chịu chung số phận khoác áo mới mà “hồn trương ba nhưng da vẫn hàng thịt”!
Nhìn sang các nước trong khu vực như Singgapore, Malaixia, Thái Lan...có thể thấy bên cạnh những trung tâm thương mại quy mô lớn, hiện đại, hào nhoáng, nhưng những chợ truyền thống vẫn được duy trì, nâng cấp bằng cách xây dựng với qui mô phù hợp nhu cầu thực tiễn của người dân…Nếu có xây lại thì họ cũng chỉ xây từ 1 đến 2 tầng, ra vào thoải mái, không bị khống chế về không gian, hàng hóa phong phú, giá cả phù hợp hơn so với trung tâm thương mại, nên vẫn giữ được nét sinh hoạt dân dã của tầng lớp người nghèo.
Trung tâm thương mại (Nguồn: Internet)
Nhiều ý kiến cho rằng siêu thị và trung tâm thương mại ra đời làm thay đổi nền kinh tế hàng hóa tiểu nông, nhỏ lẻ, trực tiếp làm giảm cơ hội mưu sinh của người nghèo, dần giết chết các kênh phân phối truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa và các cơ sở mua bán gia đình...Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại cho rằng chợ cùng các kênh phân phối truyền thống sẽ không bao giờ chết mà chỉ biến đổi, phân hóa...
Một khi muốn tồn tại và cạnh tranh với siêu thị, các tiểu thương ở chợ truyền thống buộc phải thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động xoay xở trong việc buôn bán. Thực tế cho thấy, không ít tiểu thương đã in name-card giới thiệu hệ thống sạp của mình tại các chợ hoặc nhà riêng, kèm lời bảo đảm chất lượng hàng hóa, giá cả, đóng gói, giao hàng tận nơi.
Trước khi bắt tay vào thay áo cho các ngôi chợ truyền thống, cần thực hiện cuộc điều tra xã hội học một cách nghiêm túc khoa học, đánh giá lại hiệu quả của mô hình hoạt động chợ hiện đại, TTTM. Việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống cần phải thí điểm, trong quá trình hoạt động, nếu không hiệu quả cần phải rút kinh nghiệm để khi cải tạo, xây dựng các chợ còn lại hợp lí hơn. Nếu không đánh giá, rút kinh nghiệm đầy đủ thì các chợ truyền thống còn lại sau này sẽ lại rơi vào cảnh chợ chiều như hiện nay. Để có được mô hình chợ phù hợp với sự phát triển và đô thị, cơ quan chức năng cần phải đưa ra một mô hình chợ có thể đáp ứng với nhu cầu hiện đại, nhưng cũng cần phải đáp ứng cả về nhu cầu dân sinh.
Trung tâm thương mại Crescent Mall (Nguồn: Internet)
Theo tôi, xây dựng, cải tạo chợ truyền thống nên có mô hình mẫu nhưng phải hội đủ hai yếu tố là phần hồn và phần xác, để chợ truyền thống vừa hiện đại mà vẫn đảm bảo chức năng của chợ đúng nghĩa. Phù hợp với điều kiện sống, tập quán tiêu dùng của người dân. Chợ phải bình dân, thuận lợi để mọi tầng lớp có thể vào mua bán. Đó là lí do vì sao chợ tạm, chợ cóc luôn đông người mua bán dù điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo.
Theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, thị trường bán lẻ nước ta phải mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trước áp lực này, việc quy hoạch phát triển siêu thị, TTTM cho phù hợp với yêu cầu hội nhập và cạnh tranh được đặt ra một cách cấp bách.
Nếu khoác áo mới không phù hợp thì các ngôi chợ truyền thống tiếp tục sẽ rơi vào tình cảnh của nhưng ngôi chợ “hồn trương ba- da hàng thịt” đìu hiu khách đến mua sắm gây lãng phí và ảnh hưởng đến hình ảnh của các đô thị đang nổ lực đổi mới.
Báo Doanh Nhân Sài Gòn