Ngoài phi trường Indira Grandi nhộn nhịp, ngay bên cạnh những khách sạn sang trọng với những thương hiệu đẳng cấp quốc tế, nơi đây còn hội tụ của nhiều công ty đa quốc gia, thì còn có một khu Old Dehli cổ kính từ thời Moghuls nép mình bên pháo đài đỏ Red Fort, với nhà thờ hồi giáo Jama Masjid sừng sửng soi bóng xuống khu chợ đầy màu sắc và mùi vị Khari Baoli...
Chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa cải rợp sắc vàng qua ô cửa kính ôtô lướt đi trên tuyến cao tốc từ Agra trở về New Delhi. Con đường cao tốc hiện đại, rộng thênh thang nhưng rất ít phương tiện ôtô lưu thông, thi thoảng còn có xe máy, xe công nông chạy...ngược chiều! Cảm giác ngồi trên xe rất khó chịu, nhất là người từng điều khiển ôtô cảm thấy ức chế khi xe bị giới hạn tốc độ tối đa chỉ 80km/giờ. Chúng tôi thắc mắc vì sao lại kiềm hãm tốc độ? Bác tài xế chia sẻ vui: Sợ gây tại nạn cho các con vật bất ngờ đi vào cao tốc!
Khi xe đến trạm dừng chân, mời bác tài kiêm hướng dẫn viên dùng bữa cơm chung đoàn, chúng tôi mới nhận ra một điều rất thú vị là người dân ở đây ăn chay nhiều nhất thế giới! Theo World Atlas, với niềm tin tôn giáo và đời sống văn hóa đặc trưng, Ấn Độ là quốc gia có nhiều người ăn chay nhất thế giới, chiếm 31% dân số.
Văn hóa ăn chay ở quốc gia này phổ biến trong cộng đồng Vaishnav, Jain, Lingayat. Ấn Độ cũng có tỷ lệ tiêu thụ thịt thấp thứ hai thế giới với trung bình 4,4 kg thịt mỗi người một năm, thấp nhất là Bangladesh, theo báo cáo của UN FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc).
Con người nơi đây rất yêu mẹ thiên nhiên, môi trường sống hoang sơ, chim muôn, thú hoang sống đan xen với môi trường sống của con người. Đối với tín đồ Ấn Độ giáo, bò được xem là một loài vật linh thiêng, món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho loài người.
Tại quốc gia với phần lớn dân số theo tôn giáo này, việc giết mổ và ăn thịt bò bị coi là tội lỗi, thậm chí là bất hợp pháp ở một số bang ở Ấn Độ. Những con bò có thể đi lại tự do, thậm chí ở trong những khu phố nhộn nhịp của thủ đô New Delhi và các thành phố Jaipur, Agre, Mumbai…
Ngày đầu chúng tôi đến đây chỉ kịp lên xe về khách sạn chợp mắt vài tiếng lấy sức để ngày mai di chuyển sớm cho kịp hành trình nên chưa cảm nhận được gì về thủ đô này. Choáng ngợp và ngỡ ngàn là cảm giác khi xe bắt đầu đưa chúng tôi vào đến khu trung tâm của thủ đô New Dehli. Lúc này trong đầu tôi bắt đầu cảm nhận Dehli là một đô thị thú vị đa sắc màu.
Ngoài phi trường Indira Grandi nhộn nhịp, ngay bên cạnh những khách sạn sang trọng với những thương hiệu đẳng cấp quốc tế, nơi đây còn hội tụ của nhiều công ty đa quốc gia, thì còn có một khu Old Dehli cổ kính từ thời Moghuls nép mình bên pháo đài đỏ Red Fort, với nhà thờ hồi giáo Jama Masjid sừng sửng soi bóng xuống khu chợ đầy màu sắc và mùi vị Khari Baoli.
Tương tự như xe tuk tuk ở Thái Lan, xe Rickshaw là đặc sản của giao thông của Ấn Độ, có thể chở từ một người thậm chí nem chặt lên đến hàng chục người, giá cả thì “nhìn mặt bắt hành dong” mà các bác tài ra giá. Kinh nghiệm sau mấy ngày rong ruổi của mình qua các điểm tham quan chứng kiến cảnh chặt chém từ dịch vụ hàng rong, để không bị hố hàng thì bạn cứ trả giá 30-50% là có thể đi được.
Ngoài phương tiện taxi Richshaw, metro cũng là phương tiện di chuyển phù hợp và tiện lợi nhưng chưa thấy bán vé trực tuyến qua mạng dành cho khách du lịch. Khi còn ở Việt Nam, lên lịch trình, trước khi chọn các dịch vụ, chúng tôi luôn đặt tiêu chí đa dạng các loại hình để trải nghiệm nhiều cung bậc của cuộc sống bản điạ. Khách sạn từ 4 sao, xuống 3 sao… và cuối cùng là không sao! Phương tiện đi lại từ ôtô, tàu điện, Richshaw và thậm chí đi…bộ!
Ngay trong mùa dịch Covid, anh bạn người Ấn Nitin Batra hỗ trợ “local tour” khuyên chúng tôi nên hạn chế chọn các phương tiện công cộng vì có nguy cơ lay nhiễm dịch cao. Lời khuyên nghe rất hợp lý nên chúng tôi quyết định huỹ vé tàu điện chặn từ New Dehli – Jaipur chuyển sang sử dụng xe ôtô cá nhân suốt hành trình. Chính vì vậy cơ hội trải nghiệm metro chỉ được chiêm ngưỡng từ xa khi trở về thủ đô New Dehli! Muốn được sử dụng phương tiện này, du khách phải mua coin, một số ga lớn có máy bán tự động nhưng nhìn chung việc thao tác hơi khó, không dành cho những người đi du lịch chạy…dịch nhưng chúng tôi.
Sau khi vượt qua ma trận kẹt xe, chúng tôi cũng đến được khu Old Dehli cổ kính. Lang thang quanh các con phố sôi động này để trải nghiệm hình ảnh, âm thanh và mùi vị "đặc sản" của chợ Ấn Độ và khám phá những khu chợ nhộn nhịp hình thành nên một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Ấn. Nếm thức ăn đường phố địa phương, mua sắm các món đồ giá rẻ và trải nghiệm bầu không khí của khu vực náo nhiệt và hấp dẫn này.
Chandni Chowk nằm ở trung tâm Phố Cổ của New Delhi, và được quốc vương Mughal Shah Jahan thành lập vào thế kỷ 17. Bắt đầu từ Chor Bazaar ("Chợ Kẻ cắp"), nơi du khách sẽ tìm thấy mọi thứ từ đồ điện tử và trang phục hoài cổ cho đến đồ nội thất cổ và nước hoa. Tại đây thế nào du khách cũng sẽ bắt gặp món đồ mình thích và hãy thử kỹ năng mặc cả với những người bán hàng địa phương.
Khi đế chế Hồi giáo Mughal hưng thịnh, nhiều di tích cổ nổi tiếng của Delhi được xây dựng, trong đó có Jama Masjid. Tọa lạc ở trung tâm Old Delhi, ngay tại Chawri Bazar và gần Chandni Chowk, đây là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất trong thành phố. Jama Masjid có cấu trúc khổng lồ, được xây dựng vào thế kỷ 17, bao gồm nhiều lối vào và đều dẫn đến nhà thờ chính. Nhà thờ Hồi giáo có hai tháp cao chót vót và một vài mái vòm giống củ hành. Khu vực sảnh trên tầng thượng có sức chứa tới 25.000 người.
Quang cảnh đẹp và hùng vĩ như thế nhưng cảnh người ăn xin ngồi dày đặc hai bên bậc thang khiến tôi hơi tiếc một chút. Đây là khu vực quy tụ nhiều người hồi giáo, nên luôn có cảnh sát bảo vệ. Hằng ngày có rất nhiều tín đồ từ khắp nơi tụ hội về đây, trong số đó có không ít người mang theo vật dụng cá nhân để lưu lại.
Dưới chân nhà thờ có một khu chợ trời, bán đủ thứ, và thỉnh thoảng có vài đám đông tụ tập xung quanh một người đàn ông đang hô hào. Tôi đoán là đang kêu gọi ủng hộ cho một giáo phái nào đấy. Khu vực xung quanh nhà thờ là những con phố cổ nhộn nhịp hàng quán của người Hồi giáo bán đồ ăn, rất dễ dàng để thưởng thức những món ăn đặc sản của xứ sở này.
Đồ ăn đường phố thực sự rất đa dạng, thú vị và đem tới cảm giác khó tả cho bất kỳ du khách nào. Tuy nhiên, chúng cũng chứa rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là với hệ tiêu hóa của những ai nhạy cảm. Kinh nghiệm xương máu là không nên uống nước tùy tiện, nên đánh răng bằng…nước đóng chai, nói không với những đồ uống có đá ở vỉa hè.
Nước ép trái cây có thể an toàn, nhưng nước đá thì cần thận trọng. Thực phẩm ăn nhanh nên chọn loại có bao bì rõ ràng. Nếu không thì bạn nên chọn những món ăn nóng hổi. Tại Ấn Độ, các quầy hàng rong bán rất nhiều món ăn chế biến đa dạng, tuy nhiên những món ăn nóng chắc chắn sẽ an toàn hơn những món nguội hay đồ tươi sống.
Từng là kinh đô của nhiều đế chế trong Ấn Độ cổ, Delhi đã là một thành phố lớn ở trên con đường thương mại cổ từ Tây Bắc Ấn Độ đi đồng bằng sông Hằng. Nhiều tượng đài cổ, các địa điểm khảo cổ và các tàn tích có tầm quan trọng quốc gia đã được xây nên trong lịch sử của quốc gia này. Các hoàng đế Môgôn đã cho xây một phần của thành phố để làm kinh đô của đế quốc Môgôn trong một thời gian dài.
Đền Digambara Jain thế kỷ 16 Digambara, ngôi đền Jain lâu đời nhất của thành phố. Gần đó là Đền Gauri Shankar, ngôi đền Hindu thờ Thần Shiva, nơi du khách có thể thấy Lingam (đá dương vật) nổi tiếng với 800 năm tuổi. Thả bộ đến đền thờ đạo Sikh (Gurdwara Sahib Sis Ganj) và lắng nghe tiếng cầu kinh.
Cách đó không xa là pháo đài đỏ Red Fort chính là kinh thành do Shah Jahan xây dựng năm 1638. Đây là tổng thể một thành quách đồ sộ có diện tích khoảng nửa cây số vuông dựng lên bằng đá ong đỏ nằm ngay giữa Delhi. Red Fort có qui mô không thua kém gì Tử Cấm Thành nhưng nếu Tử Cấm Thành là qui mô của triều đình có nhiều cung điện nằm rời nhau thì Red Fort là tổng hành dinh có tính chất quân sự nên có kiến trúc như một thành quách với vô số ngõ ngách thông thương lẫn nhau.
Tham quan Lăng mộ của hoàng đế Humayun vương triều Mughal. Lăng mộ nguy nga tráng lệ này là một trong những di tích thuộc triều đại Mughal được bảo tồn toàn vẹn nhất và trở thành Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO năm 1993. Chiêm ngưỡng ngôi đền Akshardham, một tổ hợp đền-tháp Hindu bằng đá kỳ vĩ nhất của Ấn Độ được khởi công xây dựng vào năm 2001 và được hoàn tất vào năm 2005. Ngôi đền giới thiệu nét tinh hoa trong kiến trúc cổ của Ấn Độ, thể hiện các truyền thống và những thông điệp tâm linh vô hạn, được xem là hình ảnh thu nhỏ của 10.000 năm văn hóa Ấn Độ.
Điểm check in được xem như phiên bản Khải Hoàng Môn tận Paris không thể không ghé là Cổng Ấn Độ (India Gate). Công trình biểu tượng sức mạnh của đất nước Ấn Độ nằm ngay quảng trường, đối diện các cơ quan đầu não của bộ máy điều hành đất nước như toà nhà quốc hội, phủ tổng thống, văn phòng các cơ quan hành pháp….
Cổng Ấn Độ cao 42m, được xây theo kiểu Khải Hoàn Môn, hai bên cổng khắc tên các chiến sĩ đã hy sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ. Công trình này được xây dựng để kỷ niệm hàng ngàn chiến sĩ hy sing trong các cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ tổ quốc.
India Gate một tượng đài linh thiêng cao 42 mét được xây dựng vào năm 1931 như một đài tưởng niệm chiến tranh để tôn vinh những người lính Ấn Độ đã hy sinh trong chiến tranh. Dưới cổng, bạn có thể nhìn thấy một ngọn lửa thiêng liên tục thắp sáng và soi rõ tên những người lính khắc trên cổng.
Quảng trường rộng hàng chục hecta, trồng cây xanh dày đặc. Thủ đô Delhi có rất nhiều cây xanh và được cho phát triển tự nhiên thành những cánh rừng ngay trong thành phố. Quảng trường Indian Gate rộng rãi, nhưng ít ánh sáng và hầu như không có gì để giải trí. Kể từ khi India Gate trở thành điểm thu hút nhiều khách du lịch, nhiều người ăn xin, người bán hàng cũng kéo đến làm mất đi một phần tính nghiêm trang của khu tưởng niệm.
Một trong những điểm độc đáo, hút khách nhất New Delhi phải kể đến là tháp Qutb Ấn Độ. Bất cứ du khách nước ngoài nào tới thăm Ấn Độ cũng không thể bỏ qua được tháp Qutab Minar và quần thể di tích Hồi giáo xung quanh tòa tháp cao nhất thế giới này. Bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1193, tháp Qutab Minar được xây hoàn toàn bằng gạch và đá cẩm thạch với chiều cao lên tới 72,5 mét và toàn bộ phần đế được khắc các đoạn trích trong Kinh Coran.
Tháp được chia làm 5 tầng. Trong đó 3 tầng dưới của tháp xây bằng sa thạch đỏ bắt mắt, cổ kính, hai tầng trên xây bằng đá hoa trắng trang trọng. Vào bên trong tháp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bậc thang xoắn ốc gồm 376 bậc lên thẳng tới ngọn tháp.
Năm 1993, UNESCO đã chính thức công nhận tháp Qutb và một số kiến trúc khác ở đây vào danh mục “Di sản văn hóa thế giới”. Tháp Qutb được coi là một trong bảy kỳ tích của Ấn Độ, là niềm tự hào của người dân Ấn, điều này càng làm tăng sức hấp dẫn của tháp đối với du khách.
Trải qua nhiều thế kỷ phát triển kinh tế, rồi những cuộc xâm lăng và thuộc địa hoá đã biến nơi đây thành một trong những thành phố có nền văn hoá đa dạng bậc nhất thế giới, lưu giữ rất nhiều giá trị văn hoá, tôn giáo mang đậm bản sắc truyền thống Ấn.
Nói đến New Delhi, nơi đây có vô vàn điểm đến độc đáo, có thể kể đến như Đền thờ Hồi giáo, đền Akshardham, khu vườn Lodhi, Phủ tổng thống, Tòa nhà quốc hội,…Tuy nhiên, điều chúng tôi ấn tượng hơn cả là Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi – Raj Ghat.
Đài tưởng niệm làm bằng đá cẩm thạch đen, đặt ngay tại nơi thi hài Ông được hỏa táng năm 1948, trong công viên rộng lớn tại New Delhi. Tại cổng vào khu tưởng niệm người ta khắc trên đá 04 câu nói của Ông rất hay, rất sâu sắc. Bên kia đường có bức tượng của Ông. Nó cũng rất đơn sơ, giản dị như chính cuộc đời Ông. Đúng là những điều giản dị làm nên sự vĩ đại!
Đọc xong mấy cuốn sách: Hành Trình Về Phương Đông, Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ, Lược Sử Loài Người đã truyền cảm hứng cho chúng tôi quyết tâm thực hiện cho bằng được chuyến đi Ân Độ lần này. Nhưng xem ra chỉ vài ngày “cỡi ngựa xem hoa” là quá ít ỏi để khám phá một đất nước có nền văn minh thuộc loại cổ nhất thế giới, có dân số trên 1,2 tỷ người, có tới 122 ngôn ngữ chính và 1.599 ngôn ngữ khác, đa sắc màu văn hóa và được mệnh danh là mảnh đất của thần linh.
Nhưng sau tất cả, người Ấn thân thiện trong suốt chuyến đi chúng tôi gặp rất nhiều những con người dễ thương, vô tư nhiệt tình giúp đỡ mỗi khi chúng tôi cần sự trợ giúp.
Hy vọng một ngày không xa, chúng tôi trở lại vùng đất Ladakh là một vùng cao nguyên rộng lớn và cao nhất của Ấn Độ, được bao bọc bởi hai dãy núi hùng vĩ nhất thế giới:Himalaya và Karakoram để thực hành chánh niệm trên đỉnh Himalaya.