Caddy được xem là “cố vấn” của người chơi trên sân golf, có khả năng đọc được khoảng cách từng vị trí banh trên đường golf, tư vấn cho golfer về cách chọn gậy, phán đoán rất tốt về độ nghiêng của mặt green, nắm rõ nhất các chướng ngại vật trên sân như hố cát, bụi cây, hồ nước… giúp các golfer đưa ra quyết định chuẩn xác để đưa banh vào lỗ golf nhanh nhất.
Cách tay phải của golfer
Muốn làm caddy, không phải ai làm đơn xin việc là được nhận ngay. Hầu hết các ông chủ kinh doanh sân golf đều có qui định tuyển dụng hết sức khắc khe:Tốt nghiệp phổ thông trung học, ngoại ngữ A Anh văn trở lên, dĩ nhiên phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn để xét chọn. Đó cũng chính là lý do mà phần lớn caddy là sinh viên, giáo viên hoặc công chức. Thường caddy được chia thành hai dạng: Caddy hợp động cơ hữu và caddy hợp đồng thời vụ với các sân golf. Caddy hợp đồng cơ hữu thì được phục vụ khách chơi golf thường xuyên hơn, trong khi caddy thời vụ chủ yếu chỉ làm vào những ngày cuối tuần.
Công việc của caddy bắt đầu bằng việc tiếp nhận túi đồ nghề của khách và kiểm tra các vật dụng kèm theo như: khăn, nước uống, dù che, tee, banh, thẻ ghi điểm...Trên sân, nhiệm vụ của caddy là phụ vụ các golfer từ rút gậy, tìm banh, cầm dù che nắng, đưa khăn lau mồ hôi theo yêu cầu của khách. Ngoài việc phục vụ khách, caddy còn là một “nhân viên bảo trì sân” sau mỗi cú đánh của golfer nếu bóc cỏ mặt sân hay đào sâu trong hố cát.
Chị H. một caddy ở sân golf Long Thành nói:“Sung sướng gì anh ơi! Ngày nào cũng kéo túi gậy vài chục kg (mỗi túi gồm 14 gậy chưa kể nước uống, các vật dụng cá nhân…). Nhiều hôm về đến nhà không còn nuốt nổi cơm. Thử theo tụi em một ngày rồi biết…”. Để cảm nhận công việc caddy, chúng tôi theo chân cô đi một tour (gồm 18 lỗ golf) để phục vụ khách giữa cái nắng buổi trưa như đổ lửa, phải lội bộ từ 6-8 km, trong khoảng thời gian từ 5-6 giờ. Nếu đi hai tour (36 lỗ golf) thì phải ngốn quãng đường gấp đôi. Caddy phải rất chăm chỉ, chịu khó và phải…dẻo chân.
Cô D. một caddy ở sân golf Vung Tau Paradise cho biết, điều caddiy ngán nhất là phải kéo thêm nước uống, đồ ăn cho khách, vì trọng lượng túi gậy lúc đó tăng lên rất nhiều. Sân golf được thiết kế có chỗ nhô lên, thụt xuống theo dạng đồi núi, thung lũng nên công việc kéo gậy phục vụ khách của các caddy càng cực nhọc. Nhớ lại những ngày mới vào nghề, chị kể: “Mấy ngày đầu chưa quen, về đến nhà là rã rời chân tay, không thiết việc ăn uống. Tối ngủ còn bị ám ảnh về túi gậy nên hôm sau ra sân nhìn túi gậy là ngán đến tận cổ”.
Khách chơi golf phần lớn là doanh nhân rất bận rộn trong công việc, nên họ thường chọn thời gian rảnh để đánh, vì vậy caddy phải phục vụ bất kể giờ giác. Phần lớn khách thích đánh golf vào giữa trưa nên caddy phải đội nắng, có khi dầm mưa để phục vụ. Chưa kể những ông khách lớn tuổi, thích ra sân lúc sớm tinh mơ để đón ánh nắng buổi sáng. Chuyện caddy mới vào nghề chưa quen bị ngất xỉu, say nắng phải điều caddy khác thay thế xảy ra như cơm bửa. Caddy ăn uống rất thất thường. Có caddy mới đi một đường golf, cầm hộp cơm chuẩn bị ăn, thì lại bị gọi đi phục vụ tiếp. Sân golf qui định rất ngặt nghèo: Caddy không được ăn, uống trong lúc phục vụ khách, nên họ cứ để bụng đói mà phục vụ “thượng đế” của mình chứ không dám than vãng gì. Mặc dù có những vị khách tốt bụng cho phép nhưng caddy vẫn không dám vì sợ mất việc.
Trăm dâu đổ đầu… caddy
Khách chơi golf có nhiều dạng, nhưng phần lớn là các doanh nhân thành đạt. Để có thể chơi golf, mỗi người phải bỏ ra vài chục ngàn đôla làm thể hội viên là chuyện bình thường. Chưa kể tiền phí sân hằng năm, tiền “boa” cho caddy mỗi lần ra sân, trang bị bộ gậy và các vật dung khác…Vì bỏ ra số tiền không ít, nên hầu hết họ đều cho mình là “thượng đế” đôi khi thích làm gì thì làm? Do vậy, làm caddy phải biết hứng chịu sự “nóng, lạnh” thất thường của khách.
Hôm nào khách đánh lên tay, thắng liên tục, bữa ấy caddy được nhờ, có thể tiền “boa” rủng rỉnh hơn. Ngược lại, gặp hôm khách đánh hỏng liên tục, caddy chỉ cần chậm một tí khi đưa gậy hay tư vấn không chuẩn về khoảng cách hoặc độ nghiêng của green, thậm chí chưa kịp che dù…ngay lập tức ẵm trọn “trận đòn miệng” xối xả.
“Mấy ổng vui thì không sao, chứ bữa nào có vấn đề thì coi như caddy bị hành cả mấy giờ liền. Thường khi có chuyện không vui ở gia đình, hay công việc làm ăn không thuận lợi…” - một nữ caddy ở golf Đà Lạt bộc bạch. Còn chị H. ở sân golf Vũng Tàu, kể những khách đánh độ bị thua liên tục, thường quay qua nổi cáu, đổ lỗi tại caddy phục vụ không chu đáo, rồi phát ngôn rất nặng lời. Gặp trường hợp đó, nếu không kiềm chế, caddy rất dễ nổi nóng, dẫn đến phản ứng tiêu cực. Chưa hết gặp những ông khách có “máu D”, không ít caddy nữ đối phó những hành vi sàm sỡ, khiếm nhã. Vì cuộc sống, nhiều caddy nhẫn nhục cho qua chuyện. Tan ca, chị em ngồi lại tâm sự chuyện vừa xảy ra mà muốn khóc vì tủi thân. So với nam, nữ caddy thường chịu thiệt nhiều hơn. Nhiều cô chỉ sau vài năm theo nghề đã xuống cả sức lẫn sắc, mặt mũi cứ đen nhẻm do phải thường xuyên đứng nắng phục vụ, dù đã được trang bị nón, kem chống nắng và khăn bịt mặt.
Chị V. ở sân golf VietNam Golf & Country Club nói: “Nhiều khi bạn bè hỏi thăm đang làm công việc gì, chị nói làm công nhân cho qua chuyện, chứ không dám nói làm caddy. Làm việc thứ Bảy, chủ Nhật, không có thời gian rảnh để đi chơi, nên đời sống tinh thần của nữ caddy rất thiếu thốn. Chuyện kiếm một tấm chồng đối với caddy cũng gặp không ít khó khăn, dù so về trình độ học vấn họ không hề thua kém bạn bè cùng trang lứa.
Nhiều nữ caddy tâm sự với chúng tôi rất sợ bạn trai nhìn mình với thái độ thành kiến, do đó họ càng dễ tủi thân. Có trường hợp caddy nữ có bạn trai sắp sửa tiến tới hôn nhân, nhưng chỉ dám nói mình làm công nhân, vì sợ người chồng tương lai biết được sẽ đổi ý. Do ít ai hiểu và thông cảm với họ ngoại trừ giữa đồng nghiệp với nhau, nên không ít nữ caddy chấp nhận lấy chồng là người trong nghề để dễ thông cảm nhau. Khi chúng tôi hỏi, nữ caddy có điểm chung gì, thì H., nói đùa nhưng nghe raát ñau: Cöù xem caddy nö mặc váy thì biết. Xấu lắm anh ạ, đứa nào chân cũng to như cây cột đình và đen như cột nhà cháy!
Caddy nghề nặng nhọc, thu nhập không cao, chủ yếu nhờ vào tiền khách “boa” nhưng lại hứng chịu không ít rủi ro nghề nghiệp. Chỉ cho chúng tôi xem vết sẹo dài vừa mới kéo da non trên đùi, anh T. kể: “Gần đây, anh bị một ông khách ngoại quốc đánh một quả banh golf từ khu phát banh lệch hướng bay ngay vào đùi, rách một đường phải đi khâu ba mũi kim. Dù biết ông khách nọ vô tình, nhưng buồn nhất là chẳng nhận được một lời xin lỗi nào.Nhiều caddy khác chứng kiến chuyện của T. càng tỏ vẻ bất bình hơn khi thấy ông khách trên chẳng những không hỏi thăm, mà còn… chống cậy gậy golf hỏi trái banh bay đi đâu mất.
Vào làm caddy ai cũng mong muốn phục vụ tốt công việc để thoả mãn lòng đam mê của những vị khách lỡ trót yêu môn thể thao cầm gậy đẩy banh vào lỗ này. Cũng như bao nghề khác được xã hội thừa nhận, kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình là hạnh phúc của caddy. Ít ra, đồng lương kiếm được cũng giúp họ theo đuổi một giấc mơ vào đại học, hoặc tiếp tục học tập để có một tương lai tươi sáng hơn. Cái caddy cần là một cái nhìn cảm thông chia xẻ của mọi người.
(Theo Golf & VIP)