Việt Nam thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và đang đứng trước nguy cơ tụt hậu rất lớn, nhất là trong bối cảnh năng suất lao động chưa được cải thiện, người Việt vẫn có tâm lý xài sang, mua đồ hiệu.
Trong dịp trò chuyện với một CEO của thương hiệu điện thoại xa xỉ nổi tiếng của Anh, ông bày tỏ sự ngạc nhiên và bất ngờ về độ “chịu chơi và chịu chi” để xài đồ hiệu của người Việt. Sự bất ngờ đối với ông không chỉ dựa trên cơ sở doanh số bán hàng mà ở độ “chịu chi” của người Việt để sở hữu những chiếc điện thoại có giá lên đến vài chục ngàn đô trong khi đất nước còn nghèo.
Mới đây, trong một bản tin trên tạp chí nghiên cứu châu Á (Asia Briefing) cho biết, trong số 50 chiếc Mercedes-Maybach S600 có giá 9,6 tỷ đồng, dự kiến sản xuất cho thị trường toàn cầu trong năm 2015, thì giới siêu giàu Việt Nam đã đặt mua đến… 10 chiếc. Đặc biệt, gần đây, cư dân mạng đã sốc trước thông tin túi xách cao cấp hiệu Hermes về Việt Nam với giá 1,6 tỷ đồng đã được bán hết ngay.
Việc hàng loạt siêu xe trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Bugati, Rolls Royce, Bentley, Maybach…trong đó nhiều hãng đã mở đại lý phân phối cho thấy thị trường Việt Nam trở thành thiên đường cho hàng xa xỉ. Hãng siêu xe Rolls Royce, Bentley đã mở chi nhánh đầu tiên của mình tại Hà Nội. Các dòng xe sang như Lexus (Toyota), Audi, BMW, Porche cũng đã mở nhiều đại lý phân phối chính hãng tại các thành phố lớn trên cả nước.
Bên cạnh siêu xe, báo cáo năm 2015 của hãng nghiên cứu Knight Frank (Wealth Report 2015) công bố, hàng xa xỉ tại Việt Nam cũng đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các loại mặt hàng túi xách cao cấp như Hermes, Cartier, Louis Vuiton đều có mặt tại các trung tâm thương mại lớn, nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội. Theo Knight Frank, thương hiệu túi sách Hermes đã có mặt tại TP.HCM từ năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng vẫn di trì mức tăng trưởng lợi nhuận của Hermes đã có trên hai con số khoảng từ 20–30%/năm.
Ngoài hàng hiệu, siêu xe, hàng tiêu dùng, thực phẩm ngoại cũng đổ vào Việt Nam nhanh chóng. Chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao gấp đôi, gấp ba so với rượu trong nước nhưng rượu ngoại của Pháp, Ý, Chi lê, Nga đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước và được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng.
Việt Nam vẫn là một nước khó khăn, thu nhập trung bình của người dân thấp nhưng mà lại xài đồ sang nhất thế giới. Mỗi năm nhập mấy tỷ USD điện thoại Vertu, đồng hồ phải là Rolex của Thụy Sĩ, túi xách phải Louis Vuiton, xe ô tô thì phải Mẹc hoặc Audi của Đức, du thuyền nổi tiếng được thiết kế bởi công ty Yacht Island Designs của Anh mới… xứng đẳng cấp.
Một khi đồng tiền kiếm được quá dễ, không bằng chất xám, không bằng mồ hôi, nước mắt thì đương nhiên họ có khuynh hướng thích phóng tay mua sắm, chứ không chắt chiu, cẩn thận như những người kiếm tiền một cách khó khăn. Ngoài ra còn có yếu tố sĩ diện, tức là bề mặt rất quan trọng nên đối với họ sự thể hiện yếu tố bề mặt không chỉ trong vấn đề sinh sống hàng ngày mà còn trong công việc làm ăn. Nhiều ông không có tiền nhưng cũng phải ráng mua một chiếc xe thật tốt thì người ta mới tin mình, mới đưa tiền cho mình làm ăn.
Tâm lý xài sang, xài ẩu suy cho cùng không đáng trách bởi đó là quyền cá nhân. Nhưng nó phản cảm trong một xã hội mà đa số người dân còn nghèo. Nó gây nên sự ghen tỵ không cần thiết ở những người nghèo. Xài sang như thế còn có thể gây ra hệ lụy trong xã hội và làm gương xấu cho lớp trẻ.
Phạm Sông Thu (Báo Người Lao Động)