Thật không quá khi khẳng định rằng, đây là một trong những quyển sách hiếm hoi khái quát được thực trạng và các hoạt động truyền thông của doanh nghiệp tại Việt Nam. Dưới ngòi bút của một nhà báo làm truyền thông, những câu chuyện về truyền thông được kể lại, được phân tích một cách sắc sảo và gọn gàng. Khi đọc quyển sách, người đọc như được nhớ lại từng sự kiện, từng hoạt động truyền thông diễn ra tại Việt Nam. Những ví dụ không phải xa xôi trong quá khứ mà là những sự việc vừa diễn ra như vụ kiện Asanzo, câu chuyện của KhaiSilk, của Chinsu, của Trung Nguyên, của những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam hay những câu chuyện giải trí từ diễn viên hàng đầu Hollywood Brad pitt, rồi chuyện thi hoa hậu tại Việt Nam, chuyện của Cường ĐôLa. Tất cả được kể lại ngắn gọn nhưng ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Bạn đọc chắc chắn sẽ tìm thấy trong quyển sách này những hướng dẫn hữu ích cho những ai đang làm nghề. Để tạo nên những chuỗi bài PR có giá trị thì cần chú ý đến những điểm gì, những lời khuyên chân thành, hữu ích từ một nhà báo có thâm niên gần 15 năm theo nghiệp cầm bút của mình, còn là chủ biên của những tờ báo lớn nhỏ khác. Và hơn hết còn là người viết bài PR “khó chịu” cho các doanh nghiệp. Là người đã viết series câu chuyện PR cho chiếc điện thoại siêu sang Vertu. Chắc chắn những chia sẻ của tác giả trong quyển sách này là những bí kíp mà đã được đúc kết của hơn 20 năm lăn lộn trong nghề. Đọc quyển sách này, những người làm truyền thông tại doanh nghiệp chắc chắn sẽ thu lượm được vô vàn bí kíp cho nghề nghiệp của mình – những bí kíp mà không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ.
Tôi biết động lực thôi thúc tác giả viết quyển sách này là những tháng ngày anh bén duyên với nghề giảng dạy. Có lẽ khi chia sẻ với những người làm truyền thông, với những đồng nghiệp trong nghề, hay đứng trên bục giảng truyền tải kiến thức với thế hệ trẻ - những người làm truyền thông trong tương lai, anh đã nhận thấy những thiếu sót trong thực tế đào tạo, trong những lý thuyết hàn lâm đang được giảng dạy, vốn thường cũ kỹ, lỗi thời và thiếu cập nhật. Thế nên, với trách nhiệm của một người đi trước, có kinh nghiệm, cuốn sách này được viết ra với suy nghĩ như thế. Chia sẻ một góc nhìn, chia sẻ những thực tế mà chính bản thân tác giả đã trải nghiệm. Cũng khẳng định luôn, đây là cuốn sách truyền thông thực tế nhất mà tôi đã từng đọc. Với vai trò là một giảng viên, tôi tìm thấy trong sách này những ví dụ hết sức gần gũi, những câu chuyện mà tôi có thể kể với học trò của mình, những tư liệu quý báu được tổng hợp một cách khoa học với diễn giải mà dẫn chứng cụ thể
Với 12 chủ đề bao quát gần hết các hoạt động truyền thông với một chương tự sự về bản thân tác giả. Người đọc thật sự sẽ cảm thấy no đủ với những lý thuyết được viết hết sức nhẹ nhàng, thực tế kèm theo những ví dụ dẫn chứng sinh động. Đọc hơn 300 trang mà không hề thấy chán. Cực kỳ cuốn hút, và không muốn buông sách xuống. Đọc sách chuyên ngành mà cứ như đọc ngôn tình cả đêm không ngủ. Trong 12 chủ đề quyển sách đề cập đến, tôi đặc biệt thích phần truyền thông cảm xúc. Với một người làm việc chuyên tạo nội dung, phần cảm xúc này thật sự chạm đến trái tim tôi khi được đọc lại câu chuyện “chú chó đi lạc” của hãng bia Budweiser hay cụm từ “Sad Dad Bad” với phát hiện thú vị từ tác giả.
Tôi cũng đặc biệt thích đoạn tác giả so sánh “cái hố trong vườn nhà” trong câu chuyện cổ tích về vị vua Midas với mạng xã hội. Xã hội hiện nay, chẳng còn gì là bí mật, vị vua để giấu đôi tai lừa của mình đã không cho bất cứ ai kể ra bí mật đó, nhưng những gì càng thâm cung bí sử càng kích thích người ta nói ra. Thế là cái hố được đào ra để người ta hét câu chuyện vào đó. Còn bây giờ thì sao? Bây giờ thì người ta sẽ quẳng mọi thứ lên mạng xã hội và chỉ một giây sau dường như cả thế giới đều biết.
Cuốn sách cũng được chăm chút trong từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy, gần như không có lỗi chính tả nào được tìm thấy trong sách này. Đủ cho thấy sự tận tâm, tận tuỵ của một nhà báo làm truyền thông đang kể lại những câu chuyện phía sau ánh hào quang của nghề, phía sau ánh hào quang của doanh nghiệp. Một quyển sách đáng đọc, đáng được lưu giữ trên kệ sách của những người làm nghề liên quan đến truyền thông.
TS. Hoàng Xuân Phương
Khoa Báo chí Truyền thông
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Tp.HCM