Tại sao chúng ta không thể tạo ra một phong cách kiến trúc Việt mà chúng ta có thể tự hào về nó vì chắt lọc được những nét đẹp tinh hoa trong kiến trúc xưa, hòa với nét đẹp kiến trúc, văn hóa trong thời kỳ đương đại và nâng tầm ở chuẩn mực quốc tế?
Một mô hình của kiến trúc đương đại
Tại thánh tích Bồ đề đạo tràng trong vòng bán kính 5km, có hơn 50 ngôi chùa của các nước khác nhau xây dựng tại nơi đây. Vậy điểm nhận biết sự khác biệt của những ngôi chùa này là gì? Đó chính là nét văn hóa riêng biệt được thể hiện rõ nét trong phong cách kiến trúc đặc trưng của mỗi nước.
Chùa Thái cầu kỳ với mái cong, nhọn ở đỉnh, nhiều họa tiết lấp lánh ánh vàng, ánh bạc. Chùa Nhật, chùa Tây Tạng, chùa Butan, chùa Myanmar, chùa Banglades, chùa Vietnam…. đều dễ dàng nhận biết nhờ phong cách kiến trúc đặc trưng.
Kiến trúc cổ Việt Nam
Bước vào không gian của Vietnam quốc tự như nhìn thấy cội nguồn của mình rất đỗi thân quen chi tiết đến từng khóm cây như hoa sứ, hoa sen, từng bậc tam cấp, từng mái ngói và bảo tháp uy nghiêm đến từng kiểu chữ, từng nét hoa văn… đều hiện hữu diệu kỳ trên mảnh đất xa xôi này.
Điều tương tự xảy ra khi bạn di chuyển từ đất nước này sang nước khác. Chỉ cần bước qua biên giới của một đất nước là thấy ngay sự khác biệt về văn hóa thể hiện rõ nét trong kiến trúc nhà cửa và các công trình công cộng.
Gần nhất là các nước trong khu vực như Lào, Campuchia hay Thái Lan. Xa hơn có Nhật, Hàn Quốc… Ngay cả Châu Âu dường như hợp nhất thành khối chung nhưng chỉ cần bước qua biên giới mỗi nước là nhận thấy ngay sự thay đổi về phong cách kiến trúc nhà cửa.
Kiến trúc Pháp khác với Bỉ, khác với Hà Lan, khác với Đức, khác với Thụy sĩ, khác với Ý hay Anh… Bạn có bao giờ tự hỏi phong cách kiến trúc đặc trưng của Việt Nam là gì khi mà hàng ngày nhìn thấy vô số quảng cáo các dự án mới với kiến trúc Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Singapore… mà không có một phong cách kiến trúc Việt được tôn vinh?
Đi ngoài đường nhìn qua nhìn lại là một sự tổng hợp các kiểu dáng kiến trúc khác nhau không theo bất cứ một trật tự hay quy chuẩn nào. Chùa Việt cổ đã ghi lại rất nhiều dấu ấn về văn hóa trong kiến trúc của cha ông. Đã có một thời kiến trúc Đông Dương rất hưng thịnh với sự quy tụ nét đẹp tinh hoa trong kiến trúc Á đông hòa quyện với sự sang trọng của kiến trúc Pháp tạo nên một bộ quy chuẩn kiến trúc riêng với nhiều công trình lớn và đẹp từ Bắc đến Nam tồn tại trong vòng 100 năm qua, vẫn luôn được đánh giá cao và giữ được nét đẹp theo thời gian nhưng lại đang dần bị quên lãng.
Và tại sao phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội và rất nhiều công trình kiến trúc cổ khác vẫn được bảo tồn? Một công trình kiến trúc nếu không dựa trên nền tảng của văn hóa sẽ giống như một cô gái đẹp mà không có tâm hồn, không có chiều sâu và bản sắc riêng.
Đó là cách mà các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới khi xây dựng những công trình của mình đều luôn phải dành thời gian khá dài để tìm hiểu kỹ về văn hóa và kiến trúc đặc trưng của địa phương, sau đó tìm cách đưa vào trong công trình kiến trúc của mình một cách sáng tạo và độc đáo.
Chính vì vậy khi bước vào những công trình này cảm giác luôn gần gũi, thân quen nhưng vẫn đảm bảo sự tiện nghi, sang trọng. Không có gì là không thể nếu bạn thật sự muốn làm. Mỗi khi đến một vùng đất, ngoài cảnh quan mình thường quan sát rất kỹ các công trình kiến trúc. Đó là minh chứng cho giá trị về văn hóa, lịch sử, sự tiến bộ về kỹ thuật xây dựng, sự phồn vinh của một giai đoạn phát triển trường tồn với thời gian.
Một mô hình của kiến trúc đương đại
Mình đã từng hỏi rất nhiều bạn kiến trúc sư trong nghề, phong cách kiến trúc Việt là gì? Điều gì giúp nhận biết sự khác biệt giữa kiến trúc Việt với phần còn lại của thế giới? Và câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngõ chưa có câu trả lời.
Tại sao chúng ta không thể tạo ra một phong cách kiến trúc Việt mà chúng ta có thể tự hào về nó vì chắt lọc được những nét đẹp tinh hoa trong kiến trúc xưa, hòa với nét đẹp kiến trúc, văn hóa trong thời kỳ đương đại và nâng tầm ở chuẩn mực quốc tế? Liệu có một dấu ấn gì cho phong cách kiến trúc đương đại ở thời kỳ chúng ta đáng tự hào?