Trong một bản tin đăng tải chiều ngày 11-9, Hãng tin Reuters đưa tin Tập đoàn Vingroup Việt Nam đang cân nhắc bán hệ thống bệnh viện Vinmec và hệ thống giáo dục Vinschool. Ngay lập tức, cộng đồng mạng, giới truyền thông và đặc biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm thực hư về thông tin này!
Khi tiếp nhận bản tin trên Reuters, nhiều người cho rằng thông tin một chiều, không đáng tin cậy vì nguồn tin không rõ ràng...Một số khác thì cho rằng fake news giựt gân câu view...Giới truyền thông thì tranh luận về chuyên môn cho rằng đó không phải là bản tin mà là bài vấn đề tổng hợp trên chất liệu từ nhiều kênh tư liệu và nguồn cung cấp thông tin khác nhau được phân tích và bình luận rất có nghề.
Trước thông tin bất lợi, ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín, để trấn an dư luận, ngay lập tức, Tập đoàn Vingroup đã có phản hồi chính thức về việc này. Theo đó, tập đoàn này khẳng định không có kế hoạch bán cổ phần Vinmec và Vinshool!
Cho đến thời điểm này, chưa thể khẳng định bản tin trên là không chính xác hay chính xác! Ngoài thông tin khẳng định từ tập đoàn được các kênh truyền thông trong nước trích dẫn như những thương vụ trước đây cũng từng xảy ra. Chính vì vậy dư luận có quyền hoài nghi về bản tin lần này lọt lên...Reuters!
Sau thông tin phủ nhận từ Vingroup, giới truyền thông đang chờ xem liệu hãng tin Reuters có rút tin hay nói lại cho rõ? Tuy nhiên, động thái xử lý của Reuters cũng chỉ dừng lại ở việc bổ sung ý kiến của tập đoàn này được trích từ nội dung thông cáo phát ra cho các báo.
Xét về mặt nghiệp vụ báo chí, phóng viên Reuters đã thể hiện tính chuyên nghiệp trong thiết lập, xây dựng, đeo bám, phát hiện và tiếp cận được nguồn tin. Còn xét về hiệu ứng truyền thông thì Reuters đã xuất bản thành công một bản tin kinh tế độc quyền, hội đủ tính hấp dẫn thu hút được dư luận xã hội.
Khi khủng hoảng xảy ra, để phủ nhận một thông tin không chính xác thì cần lập luận dứt khoát, ngắn gọn, cô đọng, đúng trọng tâm vấn đề, không cần phải "nghịch chữ" diễn giải vô tình tạo cơ hội cho dư luận suy diễn theo chiều hướng tiêu cực!
Điều này thể hiện ngay từ đầu thông điệp phát ra, tập đoàn Vingroup đã khẳng định "không có kế hoạch bán cổ phần Vinmec và Vinschool". Tuy nhiên, ngay sau đó, thông điệp diễn giải "...với Vinmec, chúng tôi vẫn liên tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước để phát triển và nâng tầm Vinmec lên tầm đẳng cấp quốc tế". Chính nội dung diễn giải trên khiến cho dư luận suy diễn "chúng tôi đâu có bán, chỉ đang tìm cơ hội hợp tác thôi"!
Sự hoài nghi và suy diễn của dư luận đều có lý, khi trước đó, tập đoàn này cũng từng nhiều lần bị rò rỉ thông tin tương tự về các thương vụ mua bán tại các toà nhà Vincom Bà Triệu, Vincom A, bán hệ thống Vinmart...và sự thật thì ai cũng đã biết sau khi giao dịch thành công!
Chuyện tái cấu trúc ở một tập đoàn kinh tế hoạt động đa ngành trong điều kiện kinh tế gặp khó khăn do đại dịch covid-19 là việc làm hết sức bình thường trong công tác quản trị doanh nghiệp.
Thậm chí mạnh tay cắt bỏ một số lĩnh vực hoạt động kém hay khai tử một số thương hiệu để tập trung nguồn lực cho một số lĩnh vực cốt lõi mang tính chiến lược là việc rất bình thường giúp cho cơ thể doanh nghiệp săn chắt khoẻ mạnh hơn!
Chính vì vậy thông tin tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước là một tín hiệu tích cực giúp cho doanh nghiệp có cơ hội bổ sung nguồn lực để tiếp tục phát triển.
Về góc độ quản trị thương hiệu, Vingroup đã có những phản ứng kịp thời và cơ bản kiểm soát, dẫn dắt được dư luận trong nước.
Với thông tin lọt trên Reuters, cho dù hãng tin này có cập nhật thông tin phản hồi, thì uy tín về tình hình "sức khoẻ" tài chính của tập đoàn Vingroup cũng bị điểm trừ trong mắt cộng đồng nhà đầu tư quốc tế.
Khi thông tin xuất hiện trên Reuters không chỉ người Việt quan tâm, mà là toàn thế giới, đặc biệt là nhà đầu tư, các đối tác của tập đoàn, các tổ chức tài chính quốc tế...Chính vì vậy, kênh truyền thông cần xử lý cấp bách ở đây không chỉ ở báo chí trong nước mà phải là truyền thông quốc tế.
Cơn dư chấn từ bản tin của Reuters về tập đoàn Vingroup sẽ còn lâu mới tiêu hoá! Khủng hoảng đã được kiểm soát và dẫn dắt thành công dư luận trong nước nhưng khoảng trống truyền thông quốc tế mênh mông dường như đang bỏ ngỏ!
Theo kinh nghiệm thì tỉ lệ sai sót của hãng tin Reuters cực thấp vì qui trình kiểm duyệt nguồn tin rất kỹ, đặc biệt là những bản tin nhạy cảm liên quan đến bảo mật nguồn tin.
Chuyện chẳng có gì phải ồn ào và khủng hoảng nếu ngay từ đầu thông tin được tương tác đa chiều và minh bạch. Khi có được nguồn tin độc quyền, phóng viên kiểm tra chéo từ đại diện truyền thông doanh nghiệp để có thông tin tham chiếu trước khi bản tin được xuất bản trên Reuters (cho dù biết trước sẽ nhận được kết quả từ chối hoặc không bình gì tại thời điểm này).
Vấn đề dư luận quan tâm bây giờ là ai đã cung cấp thông tin cho phóng viên Reuters và tại sao tuồn ra vào thời điểm này?