Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, truyền thông giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp. PR trở thành cầu nối nhanh và hiệu quả nhất để đưa sản phẩm mới hay thương hiệu đến gần với cộng đồng.
Một khi sự cạnh tranh trong kinh doanh ngày càng khốc liệt thì việc chuyển tiếp đến với khách hàng mục tiêu sao cho hiệu quả không hề đơn giản chút nào. Từ lập chiến lược truyền thông, xác định khách hàng mục tiêu đến sáng tạo thông điệp; từ chọn phương tiện chuyển tải thông điệp đến sử dụng ngân sách truyền thông là cả một quá trình dài đòi hỏi người làm truyền thông phải có sự hiểu biết thấu đáo khi thông tin truyền đi. Đó là hiệu suất tương tác trong môi trường mà thông tin lan truyền, tiên liệu được những khả năng có thể xảy ra nhằm tăng cường, xúc tiến các chương trình kế hoạch bảo vệ và phát triển hình ảnh thương hiệu. Để làm tốt những công việc trên, người làm truyền thông cần có những kỹ năng đặc biệt và được đào tạo chuyên nghiệp.
Người làm truyền thông có khi chỉ như một thành viên trong dàn nhạc, nhưng cũng có lúc sẽ đóng vai trò của người nhạc trường tài năng. Tuy nhiên, dù ở vị trí nào họ cũng luôn nắm vai trò đặc biệt, đó là tạo cho công ty một hình ảnh đẹp, lành mạnh cùng những cam kết làm ăn lâu dài với đối tác.
Truyền thông một nghề khá mới mẻ nhưng rất thú vị được rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ quan tâm và theo đuổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có chuyên ngành đào tạo chính quy về quản trị truyền thông. Nhân sự phụ trách truyền thông tại các doanh nghiệp phần lớn xuất thân từ các chuyên ngành báo chí, văn học, ngoại ngữ hoặc marking...
Tác giả Phạm Sông Thu ( còn có các bút danh Thu Giang, Phạm Tấn...) đã từng có nhiều năm làm việc trong các tờ báo lớn, chủ biên một số tạp chí chuyên ngành và đặc biệt có quãng thời gian dài gần 10 năm làm việc tại Ban Truyền thông của Tập đoàn Vingroup chắc chắn tích lũy được cho mình một số kinh nghiệm cũng như kiến thức, kỹ năng về ngành truyền thông. Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân đối với những ai quan tâm, đặc biệt là những bạn trẻ theo đuổi ngành truyền thông, Phạm Sông Thu sau một thời gian “thai nghén” và cho ra đời cuốn sách “Truyền thông theo phong cách Win-Win” .
(Nhà báo Vương Quang Vĩnh)
Trên thế giới, khái niệm Win-win là một khái niệm không mới, đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật đàm phán, kinh doanh hiện đại. Theo nguyên tắc này, những người tham gia đàm phán, kinh doanh, hợp tác với nhau sẽ tôn trọng và chấp nhận nguyên tắc "đôi bên cùng có lợi" (win-win). Nguyên tắc này đảm bảo cho kết quả hợp tác bền vững hơn. Tuy nhiên tại Việt Nam, khái niệm này là một khái niệm còn mới, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông. Từ trước tới nay quan niệm truyền thông của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là “phòng thủ”: luôn gửi những thông tin tốt cho báo chí và “dấu nhẹm” những thông tin không tốt. Phương thức xử lý khủng hoảng thường thấy của doanh nghiệp là gỡ tin bài trên tất cả các báo và im lặng để sự việc chìm xuống. Có những doanh nghiệp còn quan niệm báo chí là con dao hai lưỡi, nên tránh triệt để việc tiếp xúc với báo chí, kể cả việc đưa thông tin tốt.
Tuy nhiên, hiện nay khi truyền thông mạng xã hội phát triển quá mạnh thì phương thức truyền thông cũ không còn thích hợp nữa. Mỗi tài khoản mạng xã hội là một tòa soạn báo và mỗi cá nhân sở hữu tài khoản đó là một Tổng biên tập nên không có một doanh nghiệp nào có thể gỡ tất cả các bài viết trên mạng internet. Vì thế chúng ta cần một phương thức truyền thông khác: trở thành bạn của các nhà báo và công chúng. Cung cấp cho họ những thông tin họ cần thay vì giấu nhẹm và gỡ bỏ.
Vậy cách đưa thông tin trong khủng hoảng sao cho kịp thời nhưng vẫn đem lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp? Điều đó thực sự rất khó vì trong khi khủng hoảng, cần tất cả các thành viên doanh nghiệp tập trung vào giải quyết mà lại phải dành một phần nguồn lực để tổ chức đón tiếp, đưa thông tin đến báo chí kịp thời. Ở Việt Nam chỉ có 1 vài doanh nghiệp có thể làm được điều này.
Tác giả Phạm Sông Thu là một trường hợp rất hiếm: vừa là một nhà báo với thâm niên công tác tại rất nhiều báo, tạp chí lại vừa là một chuyên gia truyền thông kỳ cựu tại 1 tập đoàn lớn nhất Việt Nam nên cách thức xử lý truyền thông của anh thực sự Win-Win, vừa có lợi cho báo chí (có thông tin để kịp thời đưa đến bạn đọc) vừa có lợi cho doanh nghiệp (báo chí sẽ đăng thông tin chính thống từ doanh nghiệp, thay vì đăng những thông tin suy đoán không chính xác). Cuốn “Truyền thông theo phong cách Win-Win” thực sự là một cẩm nang làm nghề đối với những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và vô cùng bổ ích với các bạn sinh viên theo học ngành truyền thông.
(Bùi Mai Thủy)
Phụ trách hoạt động Hợp tác Quốc tế - Đại học Ngoại Thương
Nguyên Phó Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Sungroup
Gã là tay làm truyền thông có mối quan hệ cực rộng với báo chí nước Nam. Rộng nhưng không lỏng. Gã nắm rõ hành trạng nghề nghiệp của rất nhiều người trong làng báo.
Vì nhiều mối mang, nhiều việc, nên câu hẹn hò phổ thông “Bữa nào cà phê nha” của nhân loại, qua tay gã được nâng thành câu hứa lèo kinh điển nhất mọi thời đại. Ai mà không được gã chốt câu này, chắc là người xa lạ trên phố.
Người viết lần đầu gặp gã trong một sáng cách nay 15 năm, khi đó gã còn làm báo. Gã ngồi hiền queo bên cạnh nữ đồng nghiệp mặn mà, thi thoảng đế đôi câu, rằng thì là mà rủ rê làm nội dung cho một tờ tạp chí.
Chắc những người đàng hoàng tìm tới nhau, kiểu ngưu tầm ngưu. Chứ sau bữa cà phê ở quán Sỏi Đá ấy, nữ đồng nghiệp định cư tận Mỹ, làm cho một tờ báo người Việt ở California, mà những mã tầm mã vẫn chưa làm cho nhau bài báo nào.
Đường đời chia muôn ngả, gã lúc làm tờ báo này, khi tổ chức cho tạp chí nọ, đẻ ra tuần báo kia. Mỗi khi nghe tin gã hùng dũng nhảy việc, nối theo đó thường là tin báo giảm trang, bớt kỳ, tạp chí đóng cửa.
Gã lần tới lãnh địa truyền thông. Tưởng lo hẹn hò cà phê miết không còn thời gian để làm báo, nhưng gã vẫn không buông tha. Tưởng chỉ làm mấy cuốn tạp chí cho giới thượng lưu ấy không thôi, gã còn ủ mưu viết sách.
Giờ đây, gã ra mắt cuốn sách “Truyền thông theo phong cách win-win”, tích cóp, đúc kết kinh nghiệm làm báo trộn với ngón nghề làm truyền thông bao năm. Ở quán cà phê năm nào, gã tặng người viết cuốn sách vừa đem về từ nhà in với câu thòng rằng đây là cuốn đầu tiên.
Mở sách ra cho gã vui, ngay cú lật đầu tiên, run rủi thế nào lại trúng trang 148 mà trong đó gã viết rằng, “nếu chuyên nghiệp và tôn trọng người đọc, cuối bài viết, các KOLs cần phải ghi rõ: bài viết theo đơn đặt hàng của XYZ...”.
Vậy thôi, không review cuốn sách đâu. Viết thì phải ghi rõ là theo đặt hàng, trong khi gã có đặt hàng đâu. Mới đọc tình cờ mà đã trúng câu móc họng rồi. Lật thêm ít trang nữa thì thấy gã đồng nghiệp Phạm Tấn Lời hiền queo ngày xưa, giờ thành Phạm Sông Thu ngoa ngoắt rồi.
Biên xong cuốn sách này, gã lại làm việc quần quật chỉ mong gom đủ lộ phí đi mấy chỗ gần gần như Nam Phi, Bắc Mỹ, để lại viết sách, viết báo. Nghề chữ nghĩa ngày càng khó khăn mà giờ còn phải chia sớt, cưu mang một thầy viết, nuôi thêm một miệng ăn.
Nhà báo Võ Tiến, Nguyên TKTS báo Phụ Nữ TP