Những câu chuyện mà tác giả kể lại trong Truyền thông theo phong cách Win-Win thật sự không xa lạ với giới báo chí, truyền thông. Nhưng khi được Phạm Sông Thu đặt dưới lăng kính của người đứng “hai vai” thì quả là thú vị.
Dù những nhận định đưa ra không mới đối với dân marketing “gộc”, nhưng sự xâu chuỗi, hệ thống các sự kiện dưới dạng các Topic đã đem lại một cái nhìn bao quát hơn về thực trạng hoạt động truyền thông trong các doanh nghiệp trong nước hiện nay.
Và khi đọc hết cuốn sách của Phạm Sông Thu, một lần nữa cần nhìn nhận và đưa “PR” về với đúng nghĩa của nó. Nếu các doanh nghiệp nhìn nhận PR ở góc độ là quan hệ công chúng thì chắc chắn các doanh nghiệp không mắc phải những lỗi lầm như khi chỉ nhìn thuần tuý ở góc độ truyền thông. Và nói vậy cũng không có nghĩa “làm dâu trăm họ” là chuyện dễ!
Bởi quan hệ công chúng là mối quan hệ tương tác đa chiều chứ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ 2 chiều qua - lại. Sự tương tác đó được xem như một chu trình xoay quanh doanh nghiệp, để làm sao đảm bảo mục tiêu lớn nhất đó là doanh nghiệp hoàn thành Sứ mệnh và đạt được Viễn cảnh của mình chứ không phải chăm chăm mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn.
Và khi đó, PR được nhìn ở góc độ rộng hơn về mặt đối tượng, nó đan xen chứ ko tách rời. Đối tượng của PR được hiểu là các bên hữu quan, liên quan đến tổ chức, nó không chỉ là khách hàng, mà nó còn là các giới chức, nó có thể chỉ là một nhóm nhỏ, một tổ chức, hay có thể là cả một cộng đồng dân cư, nó còn là các đối tác, các nhà đầu tư hiện hữu và tương lai, nó là nhân viên của tổ chức, nó là đối thủ, là các tổ chức, các định chế,… thậm chí nó còn là những khách hàng được dự báo trong tương lai, hay những manh nha thay đổi về chính sách…
Phải nhìn như vậy mới thấy được vai trò của PR và để Win-Win thì cần nhất là xem PR ngang bằng với các hoạt động sản xuất, điều hành… và nó là một phần không thể thiếu để doanh nghiệp tồn tại, phát triển và hoàn thành sứ mệnh của mình.
Trở lại với Truyền thông theo phong cách Win-Win của Phạm Sông Thu. Theo quan điểm cá nhân, đây là một góc nhìn được tác giả đặt giữa làn ranh doanh nghiệp - khách hàng, doanh nghiệp - cộng đồng... Điều này được tác giả xâu chuỗi, hệ thống và chắt lọc trong suốt 20 năm làm nghề của mình, để rồi bày biện ra cho bạn đọc trên gần 400 trang sách.
Đâu đó khi đọc, chúng ta có thể thấy những câu chuyện, những sự vụ, những nhân vật mới xảy ra cũng những dư âm, hệ lụy, thất bại, thành công… mà chúng ta đã vô tình lướt qua. Để rồi khi đọc lại Truyền thông theo phong cách Win-Win sẽ nhớ lại, để rồi cảm thấy thú vị!
9 Topic là những câu chuyện rất thực, rất đời, từng diễn ra trước mắt. Cùng với đó là những nhận định của tác giả được đan xen, lồng ghép từ những bài học kinh nghiệm của tác giả khiến người đọc lạc vào một loạt các hoạt động liên quan đến truyền thông. Đó là từ khâu lên ý tưởng, hình thành thông điệp, xây dựng kịch bản, phương án…cho đến đánh giá hậu sự kiện. Đó cũng là việc tiếp nhận các sự cố khủng hoảng, nhận định và đưa ra các giải pháp…
Và điều đáng ghi nhận là những kinh nghiệm, những bí kíp của người làm nghề đã được tác giả chia sẻ, bật mí, dù đâu đó tác giả vẫn giữ lại những “key” cho riêng mình. Mà cũng hợp lẽ, làm sao có thể chia sẻ hết tất cả các ngón nghề dễ đến như vậy được! 20 năm chứ đâu ít!
Thật sự, để WIN-WIN trong lĩnh vực PR không hề dễ. Bởi PR là cả một sự phối thức phức tạp, đa biến dựa trên nền tảng của marketing, chiến lược,…Nền tảng thật vững chắc, từ đó mới có thể đưa ra những giải pháp tối ưu nhất, hay chí ít là giúp doanh nghiệp vượt qua giông bão ít thiệt hại nhất.
Ở Truyền thông theo phong cách Win-Win của Phạm Sông Thu, có lẽ cái NGHỀ và NGHIỆP đã ăn sâu vào con người của tác giả, nên cũng dễ hiểu vì sao tác giả “ưu ái” cho chủ đề Khủng hoảng truyền thông nhiều đến vậy. Với 62 trang, nhiều nhất trong 9 Topic, Phạm Sông Thu đã kể những câu chuyện về khủng hoảng truyền thông mà anh ta từng chứng kiến cũng như “xăn tay áo” lên cùng doanh nghiệp xử lý. Còn gì quý hơn những kinh nghiệm thực tế!
Nhưng đọc hết Topic này lại gợi cho mình một loạt câu hỏi về ý đồ của tác giả? Liệu có phải cái NGHỀ đã ám ảnh tác giả? Liệu có phải các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến PR? Hay những lỗ hổng trong hoạt động marketing doanh nghiệp thật đáng quan ngại… để rồi hầu hết các doanh nghiệp chỉ tỏ ra sốt sắng, lên cơn khi doanh nghiệp mắc phải những lỗi lầm, những sự cố khủng hoảng?
Và đâu đó qua các câu chuyện cho thấy, đã đến lúc các ông chủ doanh nghiệp cần nhìn lại vai trò của PR, tầm quan trọng và sự đồng nhất các chiến lược, hoạt động của doanh nghiệp với chu trình của bộ phận PR. Hay đúng hơn cần có cái nhìn nâng tâm hơn nữa của các hoạt động markeing mà PR là một nhân tố không kém phần quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp...
Thiết nghĩ, nếu nhìn nhận như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ hạn chế được những sự cố, hạn chế được khủng hoảng, hoặc giả sẽ có cách ứng phó nhanh, kịp thời nhất có thể. Bởi nếu làm được như vậy, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng những công cụ đắc lực cho hoạt động ứng phó của mình.
…
Lần lượt từ Truyền thông khủng hoảng, đến Truyền thông thương hiệu, Truyền thông mạng xã hội… cho đến Truyền thông nội bộ, Xây dựng mối quan hệ với báo chí… cùng với các lập luận của tác giả, cho thấy tác giả không chỉ là nhân sự tác nghiệp mà còn là nhân tố hoạch định cho các chiến lược PR của doanh nghiệp. Nhưng bù lại, sự nhìn nhận của các ông chủ đối với hoạt động truyền thông thật sự chưa đúng mức cả về nhận thức lẫn đầu tư cho PR. Bởi vậy nên các doanh nghiệp cứ phải luôn chạy theo những sự cố, để rồi lạc vào một mớ bòng bong để rồi khi thoát ra được đều trả giá khá đắt.
Hay qua việc thực thi các hoạt động, cho thấy sự rời rạc của bộ phận PR, sự đơn độc của truyền thông đối với hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, PR cần được tạo dựng từ ngay bên trong hoạt động của doanh nghiệp, cho đến việc hình thành như những vệ tinh bao bọc lấy doanh nghiệp, từ đó mới có thể đưa ra được những thông điệp đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng bối cảnh, đồng thời cảnh báo trước những va chạm có thể xảy ra đối với doanh nghiệp trong tiến trình phát triển trong xã hội.
Vậy nói đến những điều này để làm gì? Để thấy tác giả đã dày công như thế nào để xâu chuổi, lựa chọn những câu chuyện, những bài học thực tế, những công việc thực tế của người làm truyền thông và cả những cảnh báo để đưa đến tay bạn đọc.
Và với những câu chuyện thực tế được xâu chuỗi trong Truyền thông theo phong cách Win-Win, ta có thể hy vọng được tác giả lý giải và đề xuất những phương án cụ thể đối với từng tình huống dựa trên những căn cứ, nghiên cứu và phân tích mang tính định lượng, chuyên ngành marketing trong những tác phẩm tiếp theo.
Truyền thông theo phong cách Win-Win của Phạm Sông Thu cũng thú vị và đáng để đọc đấy chứ!
Nhà báo Hồ Xuân Mai (MBA)
Thường trú Viettimes tại Đà Nẵng