Bạn bè tôi mỗi dịp đến Nha Trang, thường hỏi câu này: Núi ấy có thấy cây tre nào mà gọi Hòn Tre vậy? Tôi đâu phải dân Khánh Hòa mà giải thích. Hỏi những nhà nghiên cứu văn hóa ở Nha Trang về địa danh này, mỗi người giải thích một kiểu. Tôi chỉ còn biết trả lời bạn: “Hòn Tre mà không thấy tre, nào có quan trọng gì! Ta sang Hòn Ngọc chơi đi hen?”.
Giải mã địa danh
Đi dọc đường Trần Phú-con đường được xem là “linh hồn” của thành phố du lịch nổi tiếng Nha Trang, nhìn về phía đông, thấy có dãy núi sừng sững giữa biển, án ngữ toàn bộ mặt tiền của thành phố, Hòn Tre đấy! Tên Hòn Tre mà chẳng thấy tre đâu cả. Để giải mã điều “vô lý” này là cả một câu chuyện dài.
Mấy anh “tay ngang”, hay giải thích các địa danh ở Khánh Hòa theo cách của mình, khách phương xa thoạt nghe, cũng dễ xuôi tai lắm. Ví dụ như chợ Đầm ở Nha Trang là do mấy bà đầm thời Pháp đặt tên (?!). Thực ra chợ này được hình thành trên một đầm nước chứ chả có liên quan gì đến bà đầm ông Tây nào cả. Còn Hòn Tre thì được giải thích theo … ngữ âm học: Đây là Hòn Che, vì nó che chắn toàn bộ vịnh Nha Trang. Nhưng dân Nha Trang, âm ch được phát âm thành tr nên từ Hòn Che thành Hòn Tre! Mới đầu tôi cũng tin vào lời giải thích ấy, song sau khi trú ngụ ở Nha Trang vài năm, tôi nghiệm ra rằng, người Nha Trang và Khánh Hòa, phát âm tr và ch rất rành mạch nên điều giải thích trên là không thuyết phục.
Nhà nghiên cứu văn hóa Quách Giao, con trai cả của cố thi sĩ Quách Tấn nói rằng, Hòn Tre tức là hòn Đàm Mông, có nghĩa là “đứa trẻ nằm trên vịnh”. Vì vậy, nó còn có tên làHòn Trẻ. Thời Pháp thuộc, tiếng Tây không có dấu nên khi ghi vào tài liệu lưu trữ đã mất dấu hỏi, chỉ còn Hòn Tre. Tôi thắc mắc: “Nếu bỏ dấu thì mất luôn dấu huyền, tức thành Hon Tre chứ ạ?”. “Ồ, phần lớn các địa danh liên quan đến núi ở Khánh Hòa, đều được bắt đầu từ “hòn”, kể cả “bà” cũng phải gắn chữ “hòn” phía trước. Hòn Bà, nơi bác sĩ Yersin khám phá từ đầu thế kỷ trước là một ví dụ!”. Cũng là một cách giải thích “theo kiểu của mình” vậy.
Vùng đất Nam Trung bộ, trong đó có Khánh Hòa luôn trầm tích trong lòng nó những vỉa tầng văn hóa khác nhau. Những cuộc soán ngôi của các vương triều và xác lập chủ quyền lãnh thổ giữa các dân tộc từ nhiều thế kỷ trước đã kéo theo nó những xô lệch về văn hóa gốc, trong đó có cácđịa danh. Vì vậy, Đàm Mông cũng có thể có họ hàng gì với tiếng Chăm chăng? Mà thôi, lịch sử đã sắp đặt tên gọi cho hòn núi ấy tự bao đời nay rồi. Điều tôi muốn nói ở đây là, dãy núi lừng lững giữa biển trời như thách thức mọi bão tố và nắng nôi ấy, giờ đã có thêm một tên gọi mới: Hòn Ngọc, tức Vinpearl.
Một thời Bãi Trũ - Vũng Me
Dân Nha Trang, nghe đến Bãi Trũ-Vũng Me, hẳn ai cũng biết nó nằm ở đâu dù chưa hẳn đã một lần đặt chân lênnhững nơi ấy. Đó là hai làng chài nằm lẫn khuất ở hai góc của Hòn Tre. Ông Quách Giao nói Bãi Trũ là chỗ ngư dân ở đây phơi lưới trũ. Dân làng chài này rất nghèo, không mua sắm tàu lớn nên quanh quẩn đánh bắt gần bờ. Nghề lưới trũ, hay còn gọi là lưới vây, là phương tiện đánh bắt phổ biến của làng chài với khoảng 40 hộ dân này. Hễ phát hiện đàn cá nào lờn vờn gần bờ, dân làng lại dùng lưới trũ vây cá lại để bắt. Sau mỗi lần như thế, họ lại phơi lưới lên bãi cát của làng. Bãi Trũ có tên bắt nguồn từ công việc của dân làng chài là vậy. Còn Vũng Me với khoảng 200 hộ dân cũng làm nghề đánh bắt ven bờ bằng nghề lưới trũ nhưng ở làng chài có cây me cổ thụ, gọi Bãi Me cho dễ định danh!
Chỉ cách Nha Trang 5km nhưng dân Bãi Trũ lẫn Vũng Me gần như sống biệt lập hoàn toàn với đất liền. Họ “nối mạng” với Nha Trang bằng các phương tiện cũ kỹ là những chiếc tàu đánh cá hết đát, vừa chạy cà rịch cà tang lại vừa nguy hiểm. Cho đến năm 2003, khi Hòn Ngọc xuất hiện, dân Bãi Trũ - Vũng Me đã có một cuộc dịch chuyển lịch sử, họ rời nơi góc bể chân mây heo hút ấy để vào hẳn Nha Trang định cư.
Nhưng, như một thói quen hình thành từ trong máu huyết, lớp người già ở hai ngôi làng ấy vẫn không quên cội rễ của mình. Trên ngọn núi sau lưng làng cũ xuất hiện một ngôi đền, vô cùng giản dị mà trang trọng uy nghiêm. Trước cửa đền, người dân khắc hai câu liễn: “Bãi Trũ Vũng Me tiền nhân có công khai sáng. Hòn Ngọc Việt hậu thế tạo nghiệp vững bền”. Bằng hai câu này, dân làng đã ký thác vào đó một niềm tin vào hậu thế sẽ tạo nghiệp dài lâu. Cứ ngày rằm, mùng một hằng tháng, các cụ lại về đây hương khói. Những bộ xương cá Ông được cất giữ trang trọng trong đền như một lưu chứng nghề nghiệp trong quá khứ của làng chài này. Sóng gió biển khơi là một phần lịch sử của làng. Song lịch sử ấy đã sang một trang khác. Hòn Ngọc mới là cái tên mời gọi mọi người đến với Nha Trang chứ không phải Bãi Trũ hay Vũng Me.
Đặt chân lên Hòn Ngọc
Hòn Ngọc-Vinpearl mỗi năm đón hàng triệu lượt khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng. Chỉ tính riêng trong năm 2017, khu du lịch Vinpearl Nha Trang đã đón tiếp tổng cộng 2.252.317 lượt khách, chiếm gần 50% lượng khách đến Khánh Hòa; trong đó có 688.618 lượt khách quốc tế và 202.629 lượt khách nội địa tới lưu trú tại các khách sạn trong khu du lịch và 1.361.070 lượt khách tới tham quan, vui chơi và sử dụng các dịch vụ trong khu du lịch (không lưu trú). Hòn Ngọc ấy có gì mà hút một lượng khách khổng lồ đến vậy?
Từ TP.Nha Trang nhìn về Hòn Tre sẽ thấy rất rõ bảng chữ “VINPEARL” in lên lưng chừng ngọn núi. Khách du lịch mà đến Nha Trang, gần như không thể bỏ qua địa chỉ này. Túi ai rủng rẻng một chút thì qua bên ấy lưu lại một vài đêm, giá cả đủ hạng, nhưng ít nhất cũng phải tốn vài trăm USD/đêm; còn những du khách “chi tiêu hạn chế” thì bỏ ra 880.000đ/người để đi bằng hệ thống cáp treo vượt biển với chiều dài 3.320m là có thể đặt chân qua bên khu vui chơi giải trí để biết Vinpearl có những gì. Ngồi trong cabin của cáp treo dài hơn 3 cây số để ngắm vịnh Nha Trang ở một độ cao như thế, cũng là một trải nghiệm thú vị vậy. Có người thắc mắc: sao giá tiền đi cáp treo cứ tăng hoài vậy? Mới 500 ngàn cách đây mấy năm, nay đã gần 900 ngàn rồi? Tôi cũng đã tự hỏi như vậy nhưng khi đặt chân lên khu vui chơi giải trí của Vinpearl, được chứng kiến những gì diễn ra ở đó với sự đầu tư công phu, bài bản và “không đụng hàng” bất cứ khu du lịch nào ở Khánh Hòa thì mới vỡ ra rằng, vì sao giá đi cáp treo lại tăng như vậy.
Còn nhớ, mùa hè năm 2002, tôi cùng một đồng nghiệp qua Hòn Tre có chút việc. Nhìn cảnh núi non khô khốc, bạn tôi cho rằng, đầu tư hàng trăm tỷ vào đây quả là một cuộc phiêu lưu. Có lẽ tư duy của một người làm báo không đủ “tầm nhìn xa” để hình dung ra một khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng bề thế như ngày nay. Sau 15 năm đánh thức Hòn Tre, bây giờ Hòn Ngọc không phải e ngại một điều gì khi mang trên mình nó mỹ từ như vậy. Vẫn những dãy núi sừng sững giữa biển trời ấy, vẫn những bờ cát mịn màng và trong suốt ấy, song giờ đây, được bàn tay con người sắp đặt lại, tất cả đều mang một khuôn mặt mới: tươi tắn hơn, vạm vỡ hơn và cũng mê dụ hơn.
Hòn Ngọc có cả một hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng bề thế, vừa hiện đại, tiện nghi đủ đầy lại vừa thơ mộng nhờ biết kết hợp hài hòa giữa bàn tay con người và những gì thiên nhiên bạn tặng cho nơi đây. Còn khu vui chơi giải trí với đủ các sắc màu mới lạ, từ các trò chơi mà lũ trẻ con ưa thích như game, quay đu, nhào lộn, xem đủ các loại cá ở khu thủy cung… đến xem những con vật mang “quốc tịch” từ khắp năm châu bốn bể mà lũ trẻ chỉ được biết qua sách hoặc truyền hình thì nay được nhìn tận mắt.
Buổi trưa trời nắng như đổ lửa, bỗng dịu đi khi bất chợt nghe những âm thanh lảnh lót gọi bầy của đàn sáo chân vàng, nghe tiếng ríu rít của lũ sẻ đồng, tiếng gọi bạn tình của bầy cu ngói… Những âm thanh ấy như được quyện vào cây xanh giăng mắc bốn bề! Đất lành chim đậu - cổ nhân đã nói thế rồi.
Có người ra Hòn Ngọc là để chơi golf. Lại cũng có người ra ngoài ấy chỉ để nghe lòng mình lắng lại sau những ngày xô bồ nơi phố thị. Với tôi, ra Hòn Ngọc là để ngắm hoa. Hoa đâu nhiều thế, đẹp thế, lại giữa ngày hè. Nói như lớp trẻ bây giờ: Thật là vi diệu!